Điệp khúc nông sản "được mùa, mất giá" cứ lặp đi lặp lại trong nhiều năm nay nhưng vẫn không có giải pháp nào căn cơ. Cũng vì vậy việc giải cứu nông sản lại thường xuyên diễn ra mỗi khi nông sản rớt giá. Một trong những nguyên nhân khiến nông sản phải "giải cứu" là do người nông dân vẫn còn sản xuất theo kiểu phong trào, tự phát còn chính quyền chỉ định hướng khuyến cáo.
Những ngày qua, bà con nông dân xã Tam Phước, huyện Phú Ninh, Quảng Nam khốn đốn vì giá dưa hấu rớt thê thảm. Đầu vụ 1kg dưa hấu có giá trên 8.000 đồng nhưng hiện chỉ còn chưa đến 1.500 đồng/kg nhưng cũng không ai mua. Mặc dù chính quyền vận động các doanh nghiệp vào cuộc giải cứu nhưng toàn huyện vẫn còn trên 15.000 tấn dưa hấu chưa tiêu thụ được.
Còn tại xã Điện Quang, thị xã Điện Bàn, nhiều ruộng ớt đang chín đỏ cây nhưng không có người đến hái. Giá ớt tươi hiện nay chỉ còn khoảng 1.300 đồng/kg, vì vậy bà con nông dân phải tự thu hoạch vì giá bán ớt không đủ trả công thuê người hái.
Không chỉ ớt và dưa hấu rớt giá, nhiều nông sản khác cũng đang chịu chung số phận. Thực trạng này có phải do việc quản lý chưa đồng bộ từ khâu sản xuất đến thị trường hay người dân làm theo kiểu "ăn xổi ở thì" nên hậu quả đầu ra bị nghẽn?
Điệp khúc nông dân trồng nông sản ra rồi chờ cộng đồng "giải cứu" và ngành chủ quản tiếp tục khuyến cáo cứ diễn đi diễn lại mà chưa có hồi kết.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!