Ngay sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội cũng đã trình bày báo cáo thẩm tra dự luật này. Dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) được đánh giá là dự luật quan trọng, là cơ sở pháp lý để kêu gọi vốn xã hội hóa, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia đầu tư các dự án hạ tầng lớn, góp phần giảm bớt gánh nặng ngân sách và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.
Một nội dung quan trọng nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư là quy định về bảo lãnh rủi ro cho dự án. Việc bảo lãnh này sẽ thể hiện trong 2 phần: một là bảo đảm cân đối ngoại tệ cho một số dự án với hạn mức tối đa 30% tổng mức đầu tư; hai là trong trường hợp các vấn đề phát sinh không giải quyết được bằng việc điều chỉnh giá phí hay thời hạn hợp đồng, Chính phủ cam kết sẽ hỗ trợ tối đa 50% phần hụt thu thực tế so với doanh thu cam kết, cũng như nếu dự án tăng thu thì nhà đầu tư cũng phải cam kết chia sẻ lại tối thiểu 50% cho Chính phủ.
Về nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cần xem xét để phù hợp với Luật Quản lý nợ công và cần xác định cụ thể hơn nguồn tiền sẽ được sử dụng để xử lý những phát sinh liên quan.
Ngoài ra, dự luật cũng quy định quy mô tối thiểu của dự án là để tránh đầu tư lẻ mẻ, dàn trải. Đồng thời, Chính phủ cũng thống nhất đề xuất phương án có một dòng ngân sách riêng trong kế hoạch vốn trung hạn cho các dự án PPP.
Sáng nay (11/11), Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng cũng được Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà trình bày. Có 3 nhóm chính sách đã được Chính phủ thông qua với mục tiêu là cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Đây là một trong những nội dung được dư luận quan tâm với kỳ vọng tăng cường quản lý nhà nước trong hoạt động đầu tư xây dựng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!