Việc tranh chấp phí bảo trì chung cư là nguyên nhân chính khiến Sở Xây dựng đề xuất bỏ quy định thu 2% ngay từ đầu như hiện nay do còn nhiều vấn đề phức tạp phát sinh.
"Một số chủ đầu tư cố tình chiếm dụng kinh phí đó, bởi vì có những chung cư kinh phí này rất lớn, có khi đến vài chục tỷ. Người ta chiếm dụng cái đó hoặc người ta không mở tài khoản riêng mà nhập chung tài khoản của công ty, đến khi đủ điều kiện thành lập ban quản trị rồi người ta có nhiều lý do không bàn giao nên mới xảy ra tranh chấp" - ông Nguyễn Thanh Hải (Trưởng phòng quản lý nhà và công sở, Sở Xây dựng TP.HCM) cho biết.
Hiện TP.HCM có hơn 1.400 chung cư, nhưng chỉ có 194 chung cư đã và đang thực hiện bàn giao phí bảo trì. Với quy định hiện hành, nếu chủ đầu tư không bàn giao phí bảo trì cho ban quản trị, thì việc xử phạt chỉ dừng lại ở mức xử phạt vi phạm hành chính và buộc chủ đầu tư bàn giao lại. Trong trường hợp, chủ đầu tư không còn tiền trong tài khoản thì việc cưỡng chế tài sản là không khả thi.
Việc thu chi, sử dụng quỹ bảo trì trở thành nguyên nhân tranh chấp tại nhiều chung cư. (Ảnh minh họa: Dân trí)
Theo đề xuất, phí bảo trì sẽ thu khi đã thành lập Ban quản trị và sử dụng theo tỷ lệ % do Hội nghị nhà chung cư quyết định. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều hội nghị chung cư chỉ quy định một người trong ban quản trị làm chủ tài khoản, có thể dẫn đến tình trạng lạm quyền, lạm chi, trục lợi cá nhân gây thiệt hại cho cư dân.
Các chuyên gia cho rằng cần xây dựng bộ tiêu chí rõ ràng để cử người vào ban quản trị một cách minh bạch và đủ năng lực trong việc thu chi tài chính.
Trước mắt, để giải quyết tranh chấp phí bảo trì, Sở Xây dựng kiến nghị điều chỉnh quy định pháp luật về nội dung cưỡng chế chủ đầu tư bàn giao phí bảo trì theo hướng các bên khởi kiện tại tòa án nhân dân theo pháp luật về tố tụng dân sự.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!