Báo Lao động cho biết, thực tế, về mặt pháp luật, chơi hụi không hề bị pháp luật cấm. Hoạt động chơi hụi còn được quy định bởi Nghị định 144/2006. Tuy nhiên, nghị định vẫn còn nhiều lỗ hổng. Ví dụ như không có quy định về giới hạn 1 người có thể làm chủ mấy dây hụi, dẫn đến một người có thể là chủ hụi của nhiều dây hụi, tạo nên mạng lưới chồng chéo nhau.
Việc chơi hụi, đa số là tự phát, quá trình giao dịch là thoả thuận dân sự, cơ quan chức năng và chính quyền không nắm được. Khi vụ việc vỡ lở, bể hụi, người dân mới trình báo lên cơ quan chức năng.
Theo Nghị định 19 vừa được Chính phủ ban hành có hiệu lực từ ngày 5/4/2019, có một số quy định đáng chú ý như: Lãi suất chơi hụi không được vượt quá 20%/năm; hay chủ hụi phải thông báo bằng văn bản cho UBND cấp xã về việc tổ chức dây hụi có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên.
Tuy nhiên, báo Lao động trích ý kiến của Luật sư Trương Thanh Đức - Công ty Luật Basico cho rằng việc quy định áp trần lãi suất chơi hụi không vượt quá 20% là điều không thuyết phục. Bởi thực tế hiện nay lãi suất cho vay của một số công ty tài chính tiêu dùng đã lên tới 50-70%. Thêm vào đó, điều quan trọng nhất là cơ chế quản lý, kiểm soát và chế tài xử phạt lại không rõ ràng. Chính vì vậy việc áp dụng Nghị định vào thực tiễn còn nhiều dấu hỏi.
Còn báo Thanh niên cho rằng, Nghị định mới cụ thể hơn, chặt chẽ hơn. Nhưng cũng đặt ra câu hỏi: Nếu đã đưa ra mức trần lãi suất cho hụi, đây có phải hình thức kinh doanh tài chính hay không? Bởi rõ ràng đây là hình thức huy động vốn, chủ hụi có thu lợi. Nếu là kinh doanh tài chính phải thành lập doanh nghiệp, phải đóng thuế, phải chịu sự chi phối của các quy định hiện hành với kinh doanh tài chính hay không?
Bản chất của hụi là một hình thức hỗ trợ tồn tại từ rất lâu trong xã hội, ban đầu không có lãi suất. Mỗi tháng người chơi nộp một số tiền cố định, ai cần lấy trước. Nhưng khi nhu cầu chơi hụi ngày càng cao, người chơi có mục đích rõ ràng như huy động vốn để làm ăn, trả nợ, chữa bệnh, cưới vợ thậm chí cho con du học... thì các loại hụi có hoa hồng, có lãi suất và thậm chí lãi suất cao đã ra đời.
Đã có nhiều góp ý nhưng quản hụi thế nào cho hiệu quả mà vẫn giữ được bản chất tương hỗ của loại hình này không đơn giản. Bài viết trên báo Thanh niên bày tỏ để hạn chế tối đa tình trạng vỡ hụi, nên tạo điều kiện cho người dân tiếp cận vay vốn hợp pháp đa dạng, thuận tiện, đơn giản hơn để họ không phải tìm tín dụng đen, các chủ hụi với mục đích xấu cũng ít đất sống hơn. Khi đó hụi, họ, biêu, phường sẽ sát gần với bản chất ban đầu của nó và việc quản lý cũng dễ dàng hơn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!