Quy tắc xuất xứ: ‘Chìa khóa vàng’ của TPP

Quang Hưng - Sơn Tùng (Ban Truyền hình Đối ngoại)-Thứ hai, ngày 07/12/2015 17:54 GMT+7

Việt Nam sẽ có lợi trong việc thu hút đầu tư trực tiếp.

VTV.vn - Theo quy tắc này, các sản phẩm xuất khẩu từ một thành viên của TPP sang các thành viên khác đều phải có xuất xứ ‘nội khối’.

Ngoài ra, Hiệp định TPP còn có thêm quy định về hàm lượng giá trị khu vực, nghĩa là sản phẩm phải đạt tỷ lệ nội địa hóa từ 55% tổng giá trị trở lên. DN chỉ được phép nhập tối đa 45% nguyên vật liệu từ các nước ngoài khối để sản xuất ra một sản phẩm, kể cả chi phí gia công.

Trong lúc các doanh nghiệp Việt Nam chưa đủ sức đầu tư toàn bộ quy trình sản xuất, từ bông sợi đến sản phẩm dệt may hoàn chỉnh thì các nhà đầu tư nước ngoài, chủ yếu là Trung Quốc, đã nhanh chân đổ vốn vào Việt Nam xây dựng các nhà máy dệt nhuộm cung cấp cho các công ty may trong nước, đón đầu cơ hội mà Hiệp định TPP sẽ mang lại. Ở mặt hàng điện thoại di động và máy tính, các tập đoàn Microsoft, Samsung cũng có những chiến lược tương tự khi mạnh dạn đầu tư vào nước ta những dự án có số vốn rất lớn và chuyển cơ sở sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam trong vài năm gần đây.

Những lợi thế từ các sản phẩm ‘made in Vietnam’ được hưởng đã và đang thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư trực tiếp từ nước ngoài, nhất là từ các nước ngoài khối TPP. Nhìn chung Việt Nam sẽ có lợi trong việc thu hút đầu tư trực tiếp, tuy nhiên đối với mỗi doanh nghiệp, đối với mỗi ngành đó có thể là thời cơ, có thể lại là thách thức cạnh tranh.

Ông Nguyễn Duy Khiên, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Mỹ, Bộ Công Thương nhận định: ‘Sẽ có hai tình huống là các DN nước ngoài sẽ vào mua hàng của Việt Nam đưa về Mỹ hoặc đưa sang Mỹ, hoặc cũng có DN nước ngoài vào Việt Nam đầu tư để sản xuất ra các sản phẩm dệt may ở Việt Nam. Đối với Việt Nam, chúng ta đều khuyến khích vì họ tạo ra công ăn việc làm, họ đóng thuế cho Chính phủ, thế nhưng đối với từng doanh nghiệp dệt may đôi khi đó là thách thức, bởi các DN ấy đầu tư vào đây đều đưa hàng sang Mỹ và cạnh tranh với DN yếu kém của Việt Nam’.

Thực tế, các DN Việt Nan đã, đang và sẽ phải tính toán bài toán Hội nhập trong TPP, nếu không có thể bị thất bại ngay chính trên sân nhà. Ngoài việc tự nâng cao năng lực sản xuất, mô hình liên kết, chia sẻ thông tin cũng đang được hình thành giữa các DN Việt Nam trong môi trường TPP.

Ông Phí Văn Dực, Giám đốc VCCI Chi nhánh Hải Phòng cho biết: ‘Qua thời gian công tác chúng tôi thấy, hầu hết hưởng lợi qua các hiệp định này là các DN đầu tư nước ngoài, vì các DN đầu tư nước ngoài có công nghệ, nguồn vốn, họ nắm bắt được những thông tin trước các DN Việt Nam, do vậy các DN đầu tư nước ngoài có lợi thế hơn rất nhiều. Đứng trước các thách thức này, các DN một là phải liên kết tạo sức mạnh tốt hơn, hai là thường xuyên trao đổi những thông tin liên quan đến thị trường, quy định của hiệp định và quy định các loại thuế quan’.

Có thể nói, quy tắc xuất xứ của TPP vừa là thách thức, vừa là một cơ hội đối với các ngành sản xuất hàng xuất khẩu của Việt Nam. Nếu vượt qua được thách thức, khai thác được cơ hội, DN Việt Nam sẽ sớm vượt qua thực trạng là một nước gia công đơn giản, chủ yếu là sử dụng nguồn lao động giá rẻ.

Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!

 

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước