Nhiều loại rau không có để bán
Dù giá rau đang tăng cao so với trước bão nhưng việc bán hàng của ông Nguyễn Văn Quang (người bán rau) vẫn bị ảnh hưởng do đứt gãy nguồn cung. Hàng ngày sạp rau của ông có đến 70 - 80 loại hàng thì giờ nhiều loại rau không có để bán.
"Giá cao quá rất khó mua, bán cũng vất vả vì cao quá người dân mua cũng thấy sốt ruột. Mua rẻ thì mình cũng không thể mua được hàng", ông Quang chia sẻ.
Bà Ninh Thị Dung - người bán rau cho biết: "Mấy hôm nay chúng tôi đi mua hàng rất vất vả, có những cái không có mà mua dù người dân nhu cầu rất cao, họ mua để tích trữ".
Dù giá rau đang tăng cao so với trước bão.
Là chủ vựa lớn ở chợ đầu mối, mỗi ngày chị Nguyễn Thị Hoa (chợ đầu mối phía Nam, Hoàng Mai, Hà Nội) bán khoảng 40 tấn củ quả nhưng hai hôm nay do giao thông khó khăn, xe hàng về ít, việc bán hàng cũng cầm chừng dù giá bán buôn vẫn ổn định.
"Hiện tại giờ hàng cũng thiếu như trước đây 3 xe hiện chỉ được 1 xe không đủ cung cấp", chị Hoa cho biết.
Theo cơ quan quản lý, mặt hàng rau xanh ăn lá tại các chợ có tăng so với thời điểm trước bão do sau bão rau bị ngập úng, hư hỏng, nông dân gặp khó trong thu hoạch và vận chuyển. Tuy nhiên, các biện pháp khắc phục đang được triển khai để đảm bảo hàng hóa phục vụ nhân dân trong đó có việc khai thác thêm nguồn hàng từ Đà Lạt, các tỉnh phía Nam.
Nhiều phương án ổn định nguồn cung thực phẩm
Theo thống kê, tại khu vực phía Bắc có tới 29.000 ha hoa màu và cây ăn quả chịu ảnh hưởng của bão số 3. Giá rau củ ngoài chợ dân sinh có chiều hướng tăng, tuy nhiên tại các siêu thị lớn giá cả vẫn giữ ở mức ổn định. Các siêu thị cũng đã lên kế hoạch làm việc với nhiều nhà cung cấp để đảm bảo nguồn cung trong thời gian tới.
Sau bão, theo ghi nhận của phóng viên tại một siêu thị, rau củ vẫn được vận chuyển đều về kho và sau đó đưa lên các quầy hàng. Theo đại diện siêu thị, những ngày trước và sau bão, lượng khách tới mua sắm tăng đột biến, gấp 3 lần so với trước. Theo đó, toàn hệ thống đã phải lên kế hoạch và làm việc với các nhà cung ứng rau đảm bảo nguồn cung không đứt gãy và giá cả ổn định. Mỗi ngày, gần 50 tấn rau củ được vận chuyển, phân phối cho các siêu thị của hệ thống tại phía Bắc.
Chị Nguyễn Thị Mai Anh - quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cho biết: "Trước tôi vẫn đi chợ ở ngoài nhưng hiện tại tình hình thời tiết như thế này thì tôi mua ở siêu thị…".
Tại một số siêu thị, rau củ vẫn được vận chuyển đều về kho và sau đó đưa lên các quầy hàng.
Ông Khúc Tiến Hà - Giám đốc vận hành chuỗi Winmart+ cho biết: "Chúng tôi liên tục có những chuyến xe từ các nhà cung cấp cũng như là các kho DC của chúng tôi không kể ngày đêm tới các cửa hàng để nhằm phủ đầy các quầy kệ. Hiện nay chúng tôi vẫn đảm bảo đủ nguồn cung phục vụ người dân với giá ổn định nhất. Chúng tôi cam kết không tăng giá trong dịp này. Bên cạnh đó, vẫn có các chương trình ưu đãi dành cho các hội viên, giảm giá 20% đối với mặt hàng rau Win Eco".
Để đủ nguồn cung, một số siêu thị tìm phương án thay thế. Siêu thị MM Mega Market Thăng Long đã tăng lên 2 chuyến xe vận chuyển rau củ quả từ Bình Dương và Lâm Đồng đến Hà Nội mỗi ngày, tương đương 12 tấn.
"Chúng tôi nhanh chóng làm việc với các nhà cung cấp phía Nam để cung ứng lượng hàng ra miền Bắc với lượng hàng gấp 4 lần. Các nhà cung cấp ở Đà Lạt thì cung cấp bắp cải, bí, cải thảo thay vì các loại rau ăn lá", ông Nguyễn Tiến Dương - Giám đốc siêu thị MM Mega Market Thăng Long, Hà Nội cho biết.
Bộ Công Thương sẽ tiếp tục bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và thường xuyên, liên tục nắm bắt, báo cáo tình hình của các địa phương. Từ đó, để có chỉ đạo cụ thể, kịp thời trong việc phối hợp với các đơn vị chức năng điều tiết và vận chuyển hàng hóa phục vụ người dân bị ảnh hưởng bởi bão số 3.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!