Rổ tiền tệ toàn cầu biến động ra sao đầu tuần?

Kate Trần-Thứ hai, ngày 06/01/2025 11:03 GMT+7

USD vẫn giao dịch ở mức cao nhất trong 2 năm qua. Ảnh: TL

VTV.vn - Sáng đầu tuần (6/1), rổ tiền tệ chứng kiến biến động giảm nhẹ của một số đồng tiền chủ chốt như đồng euro, bảng Anh, đô la Australia...

Việc đồng USD tăng lên mức cao nhất trong 2 năm vào tuần trước đã đẩy đồng euro xuống mức thấp nhất trong hơn 2 năm. Đồng euro đã giảm 0,13% xuống 1,0296 USD. Đồng bảng Anh giảm 0,03% xuống 1,24195 USD. Đồng yen giảm 0,3% xuống 157,765 yen/USD.

Thực tế cho thấy, việc Fed trì hoãn giảm lãi suất so với phần còn lại của thế giới đã làm tăng khoảng cách lợi suất giữa USD và các đồng tiền khác, khiến USD hấp dẫn hơn đối với nhà đầu tư, tạo thế "thượng phong" của đồng bạc xanh trên thị trường ngoại hối.

Đồng USD ở gần mức đỉnh của 2 năm 

Trong phiên 6/1, đồng USD vẫn giao dịch gần mức đỉnh của 2 năm, khi thị trường chờ đợi một loạt dữ liệu kinh tế của Mỹ trong tuần này. Trong đó, quan trọng hàng đầu là báo cáo việc làm tháng 12/2024 để có thêm manh mối về chính sách lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (Fed).

Một loạt các nhà hoạch định chính sách của Fed cũng dự kiến sẽ phát biểu trong tuần này và có khả năng các quan chức này sẽ nhắc lại những nhận xét gần đây của các đồng nghiệp rằng cuộc chiến chống lạm phát vẫn chưa kết thúc.

Đồng USD tiếp tục mạnh lên nhờ những kỳ vọng về việc Fed sẽ cắt giảm lãi suất ít hơn trong năm 2025.

Sự không chắc chắn về lễ nhậm chức sắp tới của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump vào ngày 20/1 và kế hoạch của ông về nâng thuế nhập khẩu và hạn chế nhập cư cũng đang hỗ trợ thêm cho đồng USD như một tài sản trú ẩn an toàn.

Ông Ray Attrill, người đứng đầu bộ phận chiến lược ngoại hối tại Ngân hàng Quốc gia Australia (NAB) nhận định thị trường vẫn còn rất nhiều sự không chắc chắn và bất ổn. Rất khó để thấy đồng USD suy yếu và hiện tại, nhà đầu tư phải rất "dũng cảm" mới có thể đặt cược chống lại đà tăng của đồng USD.

Đồng Nhân dân tệ vẫn chờ đợi động thái mới

Ngoài ra, thị trường cũng tập trung vào đồng Nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc, sau khi trong phiên cuối tuần trước, đồng tiền này đã xuống dưới ngưỡng 7,3 NDT lần đầu tiên trong 14 tháng. Động thái này diễn ra sau khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã tích cực bảo vệ ngưỡng này trong phần lớn tháng 12/2024.

Đứng trước dấu hiệu suy thoái ngày càng rõ rệt sau thời gian dài thắt chặt tiền tệ để kìm chế lạm phát, nhiều ngân hàng trung ương (NHTW) lớn trên thế giới đã bắt đầu giảm lãi suất từ sớm khi lạm phát hạ nhiệt (NHTW châu Âu giảm lãi suất từ đầu tháng 6/2024, NHTW Anh giảm từ đầu tháng 8/2024, NHTW Canada giảm vào gần cuối tháng 7/2024) nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế.

Đồng NDT trong nước giảm 0,05% xuống 7,3252 NDT/USD, trong khi trên thị trường nước ngoài đồng tiền này tăng nhẹ 0,15% lên 7,3487 NDT/USD.

Theo ông Attrill, PBoC dường như đã ngừng bảo vệ ngưỡng 7,30 NDT/USD. Chính điều này sẽ thu hút sự chú ý lớn hơn đến các động thái của PBoC trong việc công bố tỷ giá những ngày tới. Các nhà giao dịch cũng quan tâm liệu PBoC có cho phép tỷ giá giữa NDT và USD lên một phạm vi giao dịch cao hơn hay không, bởi điều này sẽ có tác động đến các đồng tiền châu Á khác.

Đồng euro trên đà giảm giá mạnh so với USD

Đồng euro đang trên đà giảm giá mạnh so với đồng USD, xuống mức thấp nhất trong hơn 2 năm, do mối lo về sức khỏe của nền kinh tế châu Âu, kế hoạch thuế quan của Tổng thống đắc cử mỹ Donald Trump, và khoảng cách chính sách tiền tệ giữa Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Fed.

Trước đó, trong phiên giao dịch ngày 3/1, đồng euro có lúc giảm hơn 1% so với đồng USD, còn 1,025 USD đổi 1 USD, mức thấp nhất kể từ tháng 11/2023. Trong vòng 3 tháng trở lại đây, euro đã giảm giá hơn 9% so với USD, từ mức đỉnh của năm 2024 là 1,12 USD/euro ghi nhận vào tháng 9.

Thực tế cho thấy, xu hướng tăng giá liên tục của đồng USD - được củng cố bởi chiến thắng bầu cử của ông Trump hồi đầu tháng 11 - đã làm trầm trọng thêm tình trạng suy yếu của đồng euro.  Nhiều nhà phân tích kỳ vọng cặp tỷ giá euro/USD sẽ giảm mức ngang giá 1 euro tương đương 1 USD trong năm 2025. Mức tỷ giá này xuất hiện lần gần đây nhất vào năm 2022, sau khi xung đột giữa Nga và Ukraine nổ ra.

Theo các nhà phân tích, nguyên nhân đầu tiên gây áp lực mất giá lên đồng euro là nền kinh tế châu Âu đang cho thấy sự đuối sức rõ rệt so với kinh tế Hoa Kỳ. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) lĩnh vực sản xuất tháng 12 do công ty S&P Global báo cáo đã cho thấy hoạt động sản xuất ở Pháp và Đức - hai nền kinh tế lớn nhất trong eurozone - tiếp tục suy giảm. Trong đó, hoạt động sản xuất tại Pháp giảm mạnh nhất từ tháng 5/2020 và sản lượng của các nhà máy ở Đức thấp nhất trong 3 tháng.

Vào tháng 12 vừa qua, Ngân hàng Trung ương Pháp giảm dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2025 xuống 0,9%, từ mức dự báo trước đó là 1,2%. Cả Pháp và Đức đều đang đương đầu với tình trạng bất ổn chính trị khi các liên minh đảng cầm quyền sụp đổ trong bối cảnh sức mạnh của các đảng cực hữu gia tăng.

Thách thức kinh tế đối với châu Âu tăng thêm khi dòng chảy khí đốt Nga trung chuyển qua Ukraine sang châu Âu đã chính thức ngừng lại vào ngày 1/1 vừa qua. Diễn biến này đã buộc nhiều nước châu Âu phải dựa vào các giải pháp sưởi ấm thay thế đắt tiền hơn trong mùa đông có nhiệt độ thấp hơn bình thường.

Ngoài ra, một nguyên nhân khác dẫn tới việc euro trượt giá so với USD là lập trường chính sách của Fed dịch chuyển theo hướng cứng rắn hơn vì khả năng lạm phát ở Hoa Kỳ sẽ giảm chậm hoặc thậm chí tăng trở lại do các chính sách của ông Trump, trong khi ECB chủ trương mềm mỏng để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Đồng đô la Australia giảm xuống mức thấp nhất trong 5 năm so với USD

Tính đến ngày 6/1, 1 AUD đổi được 0,62 USD, trong khi trước đó, vào cuối tháng 9/2024, 1 AUD đổi được 0,694 USD. Điều này tạo ra hiệu ứng domino kéo dài, ảnh hưởng đến ngân sách hộ gia đình và thậm chí có thể ảnh hưởng đến quyết định về lãi suất của Ngân hàng Dự trữ Australia (Ngân hàng Trung ương - RBA).

Tỷ giá đồng AUD so với đồng nội tệ của nhiều nền kinh tế lớn khác cũng không mấy khả quan hơn, ví dụ 1 AUD chỉ đổi được 0,6 euro hoặc 0,5 bảng Anh. Năm 2024, đồng AUD đã giảm 8% so với USD, giảm 3% so với đồng euro và giảm 7% so với đồng bảng Anh, ngay cả thời điểm Anh đang gặp khó khăn kinh tế.

Theo các nhà kinh tế nhận định, việc Tổng thống đắc cử Donald Trump cảnh báo sẽ tăng thuế đối với hàng nhập khẩu Trung Quốc là một trong những lý do khiến đồng AUD gần đây tăng giá. Dự đoán, đồng AUD có thể dễ dàng giảm xuống dưới 0,6 USD/1AUD khi ông Trump trở lại Nhà Trắng vào cuối tháng này. Điều này làm ảnh hưởng đến chi phí sinh hoạt của một quốc gia nhập khẩu như Australia, khiến giá của bất kỳ thứ gì nhập khẩu từ nước ngoài cũng đều tăng cao.

Đối với du lịch, đây là thời điểm không thích hợp cho một chuyến đi đến Mỹ, Anh hoặc châu Âu. Tuy nhiên, đồng AUD vẫn mạnh ở Nhật Bản, New Zealand và Nam Mỹ, đặc biệt là Argentina.

Ở khía cạnh khác, dù việc đồng AUD giảm giá gây khó khăn cho những người dân Australia có kế hoạch đi du lịch nước ngoài hoặc hoạt động nhập khẩu, song đây lại là tin tuyệt vời cho các nhà sản xuất, khi những sản phẩm của Australia có giá cả phải chăng hơn trên toàn thế giới.../.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước