Từng là một loại nông sản giúp người dân miền Tây ăn nên làm ra, nay những trái cam lại mang vị đắng. 60 công cam của ông Nguyễn Thành Nhơn (xã Hựu Thành, Trà Ôn, Vĩnh Long) đã đến thời gian thu hoạch, trái chín rụng đầy gốc nhưng thương lai bặt tăm.
"Giá cam có 1.000 đồng/kg, mà cắt chậm trễ, cắt 1 tấn, 2 tấn là nghỉ", ông Nhơn chia sẻ.
Thực tế trên là tình cảnh chung của các nông dân trồng cam ở miền Tây. Chỉ tính riêng tại huyện Trà Ôn, Vĩnh Long, hiện sản lượng thu hoạch từ nay đến hết tháng 3 còn hơn 60.000 tấn. Trong khi đó, nhiều vựa thu mua trái cây buộc phải đóng cửa do không có đầu ra.
Từng là một loại nông sản giúp người dân miền Tây ăn nên làm ra, nay những trái cam lại mang vị đắng.
Anh Lê Văn Tài - Giám đốc Hợp tác xã Cam sành Thắm Tài, Trà Ôn, Vĩnh Long cho biết: "Trong đợt Tết thời điểm cao giá bà con không bán để lại nhiều. Ngoài ra do thời tiết miền Bắc lạnh nên năm nay không ăn, trong khi đó thị trường miền Bắc là thị trường lớn. Miền Trung thì ăn cam xanh, nên hàng ùn ứ còn rất là nhiều".
Khó khăn của nông dân hiện nay là cam không bảo quản được lâu, từ lúc chín trung bình chỉ giữ được khoảng 1 tuần. Chính vì vậy, để giải quyết bài toán đầu ra cho trái cam không hề là chuyện dễ.
Đầu ra không đảm bảo nên nông dân không còn mặn mà với cây cam. Tại huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, diện tích cam chỉ còn gần 2.900 ha. Con số này đã giảm gần 600 ha so với cùng kỳ. Không ít bà con chuẩn bị đốn bỏ cam để tìm cơ hội mới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!