Giá vàng đã rút lui từ mức cao hơn 7 năm khi cổ phiếu và giá dầu tăng nhờ sự lạc quan trong việc thử nghiệm vaccine COVID-19. Chốt phiên ngày 18/5, giá vàng thế giới giảm xuống 1,25% (tương đương với 21,9 USD) và giao dịch ở 1.735 USD/ounce.
Trong nước, chốt phiên giao dịch ngày 18/5, Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết giá vàng Âu Vàng Phúc Long/SJC ở mức 48,90 triệu đồng/lượng (mua vào) và 49,15 triệu đồng/lượng (bán ra).
Mở cửa phiên giao dịch sáng nay 19/5, giá vàng Âu Vàng Phúc Long/SJC được Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết ở mức 48,50 triệu đồng/lượng (mua vào) và 48,90 triệu đồng/lượng (bán ra).
Giá vàng thế giới quay đầu sau khi đạt đỉnh.
Các chỉ số chứng khoán Mỹ tăng điểm mạnh trước những thông tin tích cực từ công ty dược Moderna cho hay loại vaccine thử nghiệm phòng chống COVID-19 của họ cho thấy kết quả đầy hứa hẹn trong một thử nghiệm ở giai đoạn đầu.
Các nhà phân tích cho rằng, diễn biến tích cực này đã làm tăng sức hấp dẫn của tài sản rủi ro trước triển vọng sớm chấm dứt các biện pháp phong tỏa đã được thực hiện nhằm ngăn chặn đại dịch, đưa các nhà đầu tư quay lại với chứng khoán.
Vàng là kim loại có xu hướng hưởng lợi trong kỳ vọng về lãi suất thấp hơn, đã tăng giá khoảng 14% trong năm nay khi các ngân hàng trung ương tung ra một làn sóng cắt giảm lãi suất và các kích thích khác để hạn chế thiệt hại kinh tế từ đại dịch.
Trong phiên 16/5, lượng vàng dự trữ do quỹ trao đổi vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust nắm giữ đã tăng 0,8% lên 1.113,78 tấn. Bên cạnh đó, vàng vẫn đang được hỗ trợ bởi khả năng Mỹ có thể áp dụng mức lãi suất âm và sự căng thẳng leo thang trong quan hệ Mỹ-Trung.
Hoạt động in tiền của các nước đang tiếp thêm sức mạnh vững chắc cho vàng. Vàng được cho là sẽ vẫn còn đi lên bất chấp sự tiềm ẩn khả năng bán tháo chốt lời và bán tháo lấy thanh khoản trên thị trường.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!