Cuối năm 2017, gần 200 cửa hàng tự động mọc lên như nấm khắp Trung Quốc, thu hút số vốn đầu tư lên tới 4,3 tỷ Nhân dân tệ. Thế nhưng, đầu năm 2018, ngành công nghiệp này bắt đầu chứng kiến hàng loạt vụ đóng cửa, thậm chí là phá sản.
Buy-Fresh Go, từng được xem là "ngọn cờ đầu" trong mô hình bán lẻ hoàn toàn tự động, giờ im lìm đóng cửa. Các thiết bị công nghệ cao bị gỡ bỏ, còn tấm biển đăng tìm người thuê nhà mới, được đặt ngay chính giữa lối vào.
Ngay cả ông lớn JD.com, nhà bán lẻ trực tuyến lớn thứ 2 Trung Quốc cũng đã phải quyết định cho đóng các cửa hàng không nhân viên phục vụ tại các ga tàu, khép lại tham vọng mở 5.000 cửa hàng tự động.
Lý do đầu tiên dẫn đến sự lụi tàn của mô hình này được cho là sự khó khăn trong việc bán hàng hóa tươi sống không có sự trợ giúp của nhân viên. Tại những quốc gia như Trung Quốc, tỷ lệ thực phẩm tươi tại các cửa hàng tiện ích càng cao, nó càng có cơ hội tồn tại và phát triển.
Do đó, nếu không có loại sản phẩm này, các cửa hàng thông minh trong mắt khách hàng không khác nào một chiếc máy bán hàng tự động, nhưng lại cồng kềnh gấp bội.
Theo các chuyên gia, các công ty công nghệ Trung Quốc nhảy vào thị trường này chỉ với mục tiêu duy nhất là sử dụng công nghệ thay thế con người mà bỏ qua các yếu tố then chốt khác, như tìm hiểu cần bán hàng gì hay xây dựng mạng lưới hậu cần cho phép giao hàng đúng lúc. Do đó, không có gì là khó hiểu khi mô hình này chết yểu tại Trung Quốc sau 2 năm bùng nổ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!