Sau 5 năm triển khai, siêu dự án chống ngập vẫn "đắp chiếu"

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 06/01/2021 09:54 GMT+7

VTV.vn - Dự án chống ngập do triều cường với kinh phí gần 10.000 tỷ đồng tại TP Hồ Chí Minh đang đứng trước nguy cơ trở thành dự án treo vì nhiều vướng mắc.

Tại TP Hồ Chí Minh, dự án chống ngập do triều cường với kinh phí gần 10.000 tỷ đồng vẫn chưa thể đi vào hoạt động sau 5 năm triển khai dù đến thời điểm này các hạng mục của dự án đã hoàn thành hơn 90% khối lượng. Nguyên nhân chính là do những vướng mắc về mặt pháp lý. Nếu không sớm giải quyết, dự án chống ngập cho gần 7 triệu dân có nguy cơ thành dự án treo.

Cống Phú Định là 1 trong 6 cống thuộc dự án đã hoàn thành 96% nhưng hiện dự án này chỉ là những khối bê tông nghìn tỷ bất động. Bên cạnh đó là những bao cát tạm bợ của người dân để ngăn nước chảy vào.

Sau 5 năm triển khai, siêu dự án chống ngập vẫn đắp chiếu - Ảnh 1.

Những khối bê tông nghìn tỷ bất động tại cống Phú Định.

Gần 5 năm qua, người dân vùng ngập do triều trông đợi vào dự án này. Tuy nhiên, khi cách đích chỉ 1 quãng ngắn, dự án lại vướng những thủ tục pháp lý để có thể đưa ngay vào sử dụng. Cụ thể là việc ký phụ lục gia hạn hợp đồng và thống nhất phương án trả quyền lợi cho nhà đầu tư.

"Lỗi để dự án kéo dài không thuộc về nhà đầu tư, mà thuộc về việc Ủy ban phải ký phụ lục và kế hoạch cam kết trả vốn cho Ngân hàng Nhà nước. Tất cả những chi phí phát sinh do dừng dự án mà nhà đầu tư phải gánh chịu thì dẫn đến việc nhà đầu tư chịu không nỗi", ông Nguyễn Tâm Tiến - Tổng Giám đốc Tập đoàn Trung Nam nói.

Để giải quyết tồn tại này, Thủ tướng Chính phủ đã giao UBND TP Hồ Chí Minh và Ngân hàng Nhà nước, Bộ KH&ĐT khẩn trương xử lý gia hạn tái cấp vốn, không làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án bằng nhiều văn bản khác nhau.

Sau 5 năm triển khai, siêu dự án chống ngập vẫn đắp chiếu - Ảnh 2.

Dự án chống ngập do triều cường với kinh phí gần 10.000 tỷ đồng vẫn chưa thể đi vào hoạt động sau 5 năm triển khai.

Toàn bộ dự án chỉ còn 7% nữa là hoàn thành, chỉ 7% đó lại đang gây thiệt hại cho nhà đầu tư mỗi ngày 200 triệu đồng, chưa kể lãi vay ngân hàng. Tuy nhiên, thiệt hại lớn nhất đó là kinh tế, an sinh xã hội của cả một vùng rộng 570 km với 6,5 triệu dân chờ hưởng lợi từ dự án.

Nếu các khúc mắc không được giải quyết thì người dân vẫn là người chịu thiệt thòi nhất. Đơn cử như đợt triều cường hồi giữa tháng 12/2020, người dân dọc tuyến đường An Tài (khu phố 5, phường 7, quận 8) khổ sở với dòng nước đen ngòm khi hệ thống máy bơm ngưng hoạt động và cứ triều cường, trời mưa là nhà lại ngập.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước