Chỉ có 19 dự án nhà ở thương mại mới được cấp phép trong quý 1. Giá bán chung cư trung bình một số dự án tại TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh dao động khoảng 50 - 70 triệu/m2. Riêng Hà Nội, mức tăng giá chung cư đã lên tới 38% so với năm 2019. Một số phân khúc khác cũng đã rục rịch tăng giá theo. Liệu thị trường bất động sản có rơi vào kịch bản "sốt nóng" trở lại?
Đại diện Bộ Xây dựng cho biết, trong quý I vừa qua, một số vị trí đã có hiện tượng tăng giá bất động sản một cách bất thường. Tuy nhiên, khi Bộ Xây dựng đi kiểm tra thì lại không có giao dịch thực tế. Riêng tại Hà Nội, vừa qua Bộ Xây dựng đã yêu cầu Thành phố kiểm tra tình trạng chung cư tăng giá bất thường. Tuy nhiên, tới thời điểm này, Bộ vẫn chưa nhận được báo cáo từ TP Hà Nội.
Nguồn cung dự án mới còn hạn chế, các môi giới lợi dụng đẩy giá, người bán cũng theo đó liên tục lật kèo, từ chối bán, để đòi hỏi mức giá cao hơn. Đó chính là những nguyên nhân khiến giá chào bán chung cư Hà Nội, nhà thổ cư, đất nền tại một số vị trí tăng giá bất thường. Bộ Xây dựng cho biết, giải pháp quan trọng là phải nhanh chóng đưa thêm nguồn cung nhà vừa túi tiền ra thị trường, giúp bình ổn giá nhà.
"Một là trong năm 2024, thực hiện Nghị quyết 01, Thủ tướng đã giao cho các địa phương thực hiện phát triển nhà ở, cụ thể là bao nhiêu căn, quy định rất rõ, phấn đấu phải hoàn thành. Vấn đề thứ 2 là các địa phương phải cải cách thủ tục hành chính, rút gọn thời gian, để dự án sớm đưa vào, bố trí quỹ đất làm nhà ở xã hội. Triển khai ngay, dự án nào có chủ trương thì phê duyệt chủ trương, lựa chọn chủ đầu tư, để tiến hành khởi công", ông Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và thị trường Bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết.
Thời gian qua, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ trong việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản đã hoạt động tích cực. Riêng tại TP Hồ Chí Minh, Bộ Xây dựng cho biết đã có khoảng 77 dự án bất động sản được gỡ vướng. Tại Hà Nội, thành phố đã có 404 dự án được rà soát, phân loại khó khăn, vướng mắc.
Khi giá chung cư nội đô cao vượt ngưỡng chấp nhận của người mua, cơn sốt đang dần hạ nhiệt. Nhưng thay vào đó, khoảng 2 tuần nay, thị trường lại ghi nhận phân khúc đất nền, nhà thổ cư có dấu hiệu nhảy giá, tăng dần lên. Điều này làm dấy lên lo ngại về cơn sốt bất động sản mới.
Sau chung cư, "sốt nóng" đất nền? (Ảnh minh hoạ)
Liên tục theo dõi sát tình hình giá nhà chung cư nội đô Hà Nội thời gian qua, anh Phạm Văn Ngọc - Giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ Địa ốc Hà Nội Star Land - cho biết, từ khi có văn bản của Bộ Xây dựng yêu cầu kiểm tra chung cư tăng nóng bất thường, lượng khách tìm mua đã giảm, nhưng giá vẫn đang neo ở mức cao.
"Giá thì chưa giảm mấy, có thể nói là đi ngang. Chủ nhà khá sốt ruột bởi họ cũng muốn bán đi để mua sản phẩm khác. Bên môi giới cũng tích cực chào - Anh chị giảm giá đi cho khách hàng dễ tiếp cận - nhưng chủ cũng ngập ngừng, họ sợ mình giảm còn người khác có giảm giá hay không", anh Ngọc cho biết.
Còn giá nhà thổ cư, trong ngõ nhỏ, vốn được đánh giá là có nhược điểm như đi lại chật chội, không có chỗ để xe ô tô, lo ngại về phòng cháy chữa cháy, nhưng vài tháng nay cũng đã bị hét giá.
"Nó cứ tăng dần tăng dần lên, trước giá là 100 triệu/m2, giờ là 120 triệu/m2, hơn 1 tháng nay tăng lên 20 triệu/m2 rồi", anh Kiều Văn Dương, Quận Thanh Xuân, TP Hà Nội, cho biết.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư kỳ cựu trên thị trường cho rằng khó có thể diễn ra cơn sốt lan từ chung cư sang.
"Qua một chu kỳ sốt nóng, người ta thận trọng hơn việc mua nhanh, bán nhanh, sập sóng", bà Hồ Thị Thu Mai, một nhà đầu tư, nói.
Còn theo ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, có hiện tượng lợi dụng khan hiếm, chênh lệch cung cầu để đẩy giá. Có dự án nằm im đắp chiếu giá vẫn tăng 30-40%, đây là điều không bình thường.
Vẫn trong tầm kiểm soát
Đại diện Bộ Xây dựng khẳng định, hiện tượng tăng nóng giá nhà đất tại một số vị trí hiện nay vẫn đang trong tầm kiểm soát.
"Hiện tượng này chúng tôi cũng theo sát các tình hình. Chúng ta thấy xảy ra một vài vị trí, chủ yếu ở Hà Nội. Còn TP Hồ Chí Minh có tăng giá, nhưng chưa đột biến, các tỉnh khác cũng vậy. Tuy nhiên chúng ta không chủ quan, kiểm soát chặt chẽ.
Tôi cho rằng khó trở thành trào lưu chung cho cả nước, vì bản chất các điểm cho thông tin giá tăng đột biến, mới chỉ ở rao thông qua môi giới, thông tin, mời chào, pháp luật của chúng ta hiện nay cũng công khai, minh bạch, có chế tài xử lý vi phạm chặt chẽ", ông Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và thị trường Bất động sản, Bộ Xây dựng, cho biết.
Theo ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết có hiện tượng lợi dụng khan hiếm, chênh lệch cung cầu để đẩy giá. Có dự án nằm im đắp chiếu giá vẫn tăng 30-40%, đây là điều không bình thường.
Các chuyên gia nhìn nhận, thị trường bất động sản mới vượt qua được thời điểm khó khăn nhất, như một người ốm mới bắt đầu chập chững tập lại những bước đi đầu tiên. Cơn sốt dồn dập, mạnh quá sức sẽ làm cho thị trường khó có thể phục hồi bền vững.
Rõ ràng thị trường bất động sản mới vừa hồi phục trở lại, thậm chí những khó khăn về pháp lý, về dòng tiền vẫn còn. Hiện tượng tăng giá bất thường khiến người mua nghi ngại, giao dịch giảm, sẽ có thể gây những tác động ngược cho thị trường.
Bộ Xây dựng cho biết, các bộ ngành hiện đang tập trung xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành cả 3 Luật gồm: Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở... bảo đảm đủ điều kiện để trình Quốc hội cho phép sớm thi hành các Luật này trong tháng 7/2024 (sớm nửa năm so với dự kiến). Từ đó, giúp khơi thông các vướng mắc pháp lý cho nhiều dự án bất động sản, tăng nguồn cung cho thị trường.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!