Ảnh minh họa.
Tình hình sương giá tại Brazil đã tạm kết thúc khiến tâm lý lo ngại - nguyên nhân chính đẩy giá tăng trong phiên hôm qua biến mất. Thực chất, sương giá chỉ xảy ra vào cuối tuần trước nhưng chưa có tác động nào đáng kể đến nguồn cung cà phê hiện tại. Hoạt động thu hoạch tại Brazil gần như xong với 90% diện tích đã hoàn tất. Một số cây cà phê tại các vùng sương giá bị hỏng lá nhưng diện tích không lớn. Hiện còn quá sớm để đánh giá tác động của đợt sương giá hiện tại có thể làm giảm nguồn cung các vụ tiếp theo hay không.
Dù vậy, thị trường vẫn còn nhiều thông tin cơ bản mang tính hỗ trợ đối với giá. Công ty tư vấn Safras&Mercado cho biết doanh số bán cà phê của các nhà sản xuất Brazil đạt 40% tổng dự kiến cho niên vụ 2024-2025, thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái (41%) và dưới mức trung bình của 5 năm qua là 47%.
Ngoài ra, vụ thu hoạch cà phê niên vụ 2024-2025 của Brazil dự kiến đạt 63,3 triệu bao loại 60 kg, so với 65,7 triệu bao ước tính trước đó, do thời tiết khô hơn bình thường đã ảnh hưởng đến sản xuất, theo HedgePoint Global Markets.
Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng hôm nay (14/8), giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ diễn biến đồng pha với giá thế giới khi bất ngờ giảm từ 2.000 - 3.000 đồng/kg so với hôm qua, hiện ở mức từ 118.000 đồng/kg đến 118.500 đồng/kg.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong tháng 7, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 76.982 tấn, trị giá 381,2 triệu USD, giảm 29,3% về lượng nhưng tăng 23,8% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, giá cà phê xuất khẩu bình quân trong tháng vừa qua đạt kỷ lục 4.951 USD/tấn, tăng 7,8% so với tháng trước và tăng tới 75,1% (tương đương 2.123 USD/tấn) so với cùng kỳ năm 2023.
Tính chung 7 tháng đầu năm nay, giá xuất khẩu cà phê tăng 52,3% lên mức bình quân 3.682 USD/tấn. Nhờ đó, sản lượng xuất khẩu mặc dù giảm 12,4% so với cùng kỳ, nhưng giá trị thu về vẫn tăng 33,5%, đạt 979.353 tấn, trị giá 3,6 tỷ USD.
Với những yếu tố thuận lợi về giá, ngành cà phê được kỳ vọng có thể mang về kim ngạch xuất khẩu kỷ lục 5 tỷ USD trong năm nay.
Việt Nam vẫn luôn là quốc gia có ảnh hưởng hàng đầu đến thị trường cà phê thế giới, đặc biệt là cà phê Robusta. Nhưng mức độ tác động có thể khác nhau, đặc biệt có tính mùa vụ. Do đó, các nhà đầu tư và doanh nghiệp có thể dựa vào yếu tố này để có chiến lược mua bán hợp lý và làm chủ thị trường.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!