Gần nửa tháng nay, sầu riêng đã bắt đầu vào mùa vụ. Nhiều giải pháp đang được triển khai quyết liệt, kỳ vọng năm nay, trái sầu riêng chiếm 60% kim ngạch xuất khẩu nhóm rau củ.
Anh Trần Văn Lê Trung - xã Long Khánh, thị xã Cai Lậy, Tiền Giang cho biết, 2 ha sầu riêng của anh vừa mới chuẩn bị thu hoạch vụ đầu, nhờ áp dụng phương thức canh tác an toàn cấp mã vùng trồng nên đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang Trung Quốc.
Năm 2024, diện tích trồng sầu riêng của cả nước tăng lên khoảng 150.000 ha, sản lượng dự kiến sẽ đạt 1,5 triệu tấn. Mở rộng diện tích vườn trồng, như những người trồng sâu riêng như anh Trung nếu không tuân thủ các quy trình sản xuất chuẩn thì con đường xuất khẩu sầu riêng sẽ gặp rất nhiều trở ngại.
Ông Huỳnh Tấn Đạt - Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: "Chúng tôi đào tạo, tập huấn hướng dẫn cho chính quyền địa phương nâng cao nhận thức cũng như kỹ năng để kiểm tra giám sát các mã vùng trồng đã cấp, mã cơ sở đóng gói để trên cơ sở đó ta duy trì được mã số này".
Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư.
Sầu riêng Việt Nam đang đối mặt với cạnh tranh ngày càng lớn ở thị trường Trung Quốc. Vì vậy, chất lượng, uy tín của cả ngành hàng là vấn đề then chốt hiện nay. Để đảm bảo chất lượng sầu riêng, một trong những điều kiện tiên quyết là sầu riêng phải được thu hoạch đúng tuổi, không được thu hái sầu riêng non.
Với việc giá sầu riêng liên tục leo thang, có thời điểm lên tới 200.000 đồng/kg nên việc xây dựng chế tài cho tình trạng tranh mua tranh bán, cắt non sầu riêng đang cấp thiết.
Với lợi thế sầu riêng có quanh năm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, đang đàm phán với Trung Quốc để đưa sầu riêng đông lạnh nhập khẩu chính ngạch vào thị trường này nhằm đa dạng sản phẩm, nâng kim ngạch xuất khẩu cho trái cây tỷ đô.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!