Giá điện tăng 8,36% sẽ có những tác động như thế nào đến tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống người dân; làm sao để những đối tượng nông dân, hộ nghèo không phải chịu thiệt thòi; hay cần có các cơ quan thanh tra, kiểm toán việc điều hành giá - đó là những nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội nêu ra tại phiên thảo luận tại tổ sáng nay (22/5) về việc đánh giá, bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2018, tình hình thực hiện kế hoạch những tháng đầu năm nay và quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017.
Theo đại biểu Nguyễn Đức Kiên, trong cả năm 2018, Chính phủ đã giữ không tăng giá điện. Sang năm nay, việc tăng giá phải thực hiện nhưng cần xem xét để có phương án hỗ trợ cho các đối tượng ở khu vực nông thôn.
Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Lại Xuân Môn lưu ý thêm, tăng giá điện cũng cần song hành với việc hỗ trợ đưa điện đến các khu vực còn thiếu. Đơn cử như tỉnh Cao Bằng, hiện vẫn còn 10% số hộ chưa có điện.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, năm 2018, GDP tăng hơn 7% nhưng sản lượng điện chỉ tăng gần 11%. Trong khi đáng lẽ GDP tăng 1 thì sản lượng điện phải tăng 2. Phó Thủ tướng khẳng định phải có chính sách giá hợp lý để thu hút đầu tư, tạo thêm nguồn cung điện cho EVN. Bởi đơn vị này đang ngày càng giảm sản lượng sản xuất, tăng lượng điện mua ngoài. Còn việc minh bạch chi phí và giá thành sẽ có nhiều cơ quan cùng thanh tra, giám sát.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định, Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán Nhà nước sẽ tập trung làm rõ các vấn đề liên quan đến báo cáo tài chính và giá điện của EVN trong năm 2019.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!