Theo báo cáo của Chính phủ, quá trình xây dựng, ban hành và các lý do chính của việc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân năm 2019 đã đảm bảo theo đúng các quy định của pháp luật. Đáng chú ý, giá điện sẽ được xem xét điều chỉnh từ tháng 6/2018, tuy nhiên, Chính phủ đã quyết định không điều chỉnh giá điện trong năm 2018, góp phần kiềm chế lạm phát ở mức 3,54% và giúp tăng trưởng tổng sản phẩm GDP đạt 7,08%.
Theo báo cáo, các khoản chi phí giá thành sản xuất kinh doanh điện đã được kiểm toán và không bao gồm các khoản chi phí đầu tư ra ngoài ngành của EVN. Việc tính toán phương án giá bán lẻ điện bình quân đã được EVN, Bộ Công Thương thực hiện theo đúng quy định.
Về số dư tiền gửi ngân hàng của EVN và quản lý dòng tiền của EVN, báo cáo của Chính phủ cho biết, do đặc thù của ngành nghề kinh doanh, tiền điện thường tập trung vào cuối tháng nên số dư tiền gửi của EVN vào các ngày cuối tháng (thời điểm lập báo cáo quyết toán) thường cao hơn so với các ngày còn lại. Một số khoản vay nước ngoài các đơn vị phải sử dụng tài khoản đặc biệt hoặc giải ngân một lần về tài khoản chuyên dụng của người vay theo quy định của Hiệp định vay nên đã tăng thêm số dư tiền gửi của các đơn vị. Do nhu cầu vốn cho đầu tư và sản xuất kinh doanh quá lớn nên số dư tiền gửi trên mới giúp cho EVN và các đơn vị thành viên hoàn thành nhiệm vụ được giao. Ngoài ra, mỗi đơn vị phải duy trì một số dư tiền gửi phục vụ cho công việc thường xuyên và xử lý đột xuất.
Liên quan đến quy định giá điện bậc thang, Bộ Công Thương đã tiếp thu các ý kiến và sẽ nghiên cứu lại quy định về các bậc thang nhằm đảm bảo phù hợp với thực tế, đặc biệt là đối với các nhóm khách hàng thu nhập trung bình, thu nhập thấp.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!