Bộ Tài chính vừa có thông báo về kết luận thanh tra bán sản phẩm bảo hiểm qua tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại 4 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ. Theo đó, Bộ Tài chính khẳng định việc bán bảo hiểm qua ngân hàng có nhiều sai phạm, biến tướng.
Một thống kê cho thấy, tỷ lệ hủy hợp đồng bảo hiểm bán qua ngân hàng sau một năm tại một số doanh nghiệp bảo hiểm lên đến 73%, tức là cứ 100 người mua bảo hiểm, có đến 73 người hủy hợp đồng sau năm đầu tiên. Hủy hợp đồng chỉ sau 1 năm, đồng nghĩa với việc khách hàng mất trắng khoản tiền đã nộp.
Một đại lý ô tô này cho biết, 60 - 70% khách hàng mua ô tô đều cần vay vốn ngân hàng để mua xe trả góp.
Ngoài các bảo hiểm bắt buộc với người mua xe trả góp như: bảo hiểm thân vỏ xe, bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới..., khách hàng mua xe còn được các nhân viên ngân hàng săn đón, chăm sóc nhiệt tình cho đến khi họ mua kèm bảo hiểm nhân thọ.
Theo Bộ Tài chính, việc bán bảo hiểm qua ngân hàng có nhiều sai phạm, biến tướng. (Ảnh minh họa - Ảnh: Dân trí)
"Nhiều ngân hàng, tổ chức tín dụng ép khách hàng mua bảo hiểm nhân thọ, đó là một điều kiện để họ giải ngân. Giá trị để mua bảo hiểm phụ thuộc vào giá trị khoản vay. Ví dụ khách hàng mua một xe vay khoảng 500 - 600 triệu đồng, sẽ mua một bảo hiểm khoảng 20 triệu. Đa phần khách hàng chỉ mua bảo hiểm này 1 năm để đáp ứng yêu cầu họ lấy xe đúng tiến độ, sau 1 năm đó họ bỏ bảo hiểm luôn", ông Nguyễn Văn Điệp, showroom ô tô đường Nguyễn Chánh, cho biết.
Theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, doanh thu phí nghiệp vụ bảo hiểm liên kết đầu tư chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ các hợp đồng có hiệu lực, tăng từ 63% năm 2020 lên gần 72% vào năm 2022.
Nếu tính trên các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ mới thì bảo hiểm liên kết đầu tư chiếm tỷ trọng đến khoảng 90%.
Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp, đại lý bảo hiểm chỉ quan tâm làm sao ký được nhiều hợp đồng với khách hàng. Các đại lý, nhân viên tư vấn sẽ phải chạy theo doanh số bằng mọi cách.
"Bạn đã nói mình chỉ cần ký còn lại hồ sơ bạn sẽ làm. Sau đó khi mình ra lấy thì đó lại là hợp đồng bảo hiểm. Theo hợp đồng này, mình không thể rút ra số tiền như những gì bạn đã cam kết", anh Võ Sang Bảnh, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh, chia sẻ.
Theo kết luận thanh tra của Bộ Tài chính, doanh thu phí bảo hiểm qua kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng của 4 đơn vị đều tăng mạnh chỉ trong 1 năm, thấp nhất là Prudential Việt Nam và nhiều nhất là BIDV Metlife.
Cũng theo Bộ Tài chính, việc bán bảo hiểm qua ngân hàng có nhiều sai phạm, biến tướng như: không tư vấn trực tiếp cho khách hàng hướng dẫn đầy đủ, không đảm bảo chất lượng tư vấn bảo hiểm, không thực hiện đúng biểu phí bảo hiểm...
Bộ Tài chính cho biết, sẽ tiếp tục thanh tra, kiểm tra chuyên đề bán bảo hiểm đối với 10 doanh nghiệp bảo hiểm nữa có kênh phân phối qua tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Không bắt buộc mua bảo hiểm nhân thọ khi vay vốn
Thời gian qua, một loạt vấn đề liên quan đến việc mua hay phải mua các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ của người dân, doanh nghiệp khi vay vốn các tổ chức tín dụng, vậy phải hiểu như thế nào cho đúng về sản phẩm bảo hiểm nhân thọ này?
Khoản 4, Điều 10 Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định: nghiêm cấm hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn; chỉ định, yêu cầu, ép buộc, ngăn cản tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm, tức là không có điều kiện bắt buộc cho khách hàng vay vốn qua ngân hàng, tổ chức tài chính phải mua bảo hiểm nhân thọ, mà chỉ là khuyến khích.
Các chuyên gia kinh tế cũng khuyến cáo người vay nên tìm hiểu kỹ các điều khoản ràng buộc của ngân hàng trước khi vay vốn để lường trước các tình huống. Còn ngân hàng, nếu coi đó là một điều khoản bắt buộc thì trước khi làm hồ sơ phải thông báo rõ cho khách hàng, tránh trường hợp nhân viên ngân hàng tư vấn không đến nơi đến chốn hoặc đợi đến khi chuẩn bị giải ngân mới thông báo, gây bức xúc cho người vay.
Tìm hiểu kỹ trước khi mua bảo hiểm nhân thọ
Tại họp báo Chính phủ thường kỳ vừa qua, Bộ Tài chính cho biết sẽ thanh tra, kiểm tra toàn diện thị trường bảo hiểm, trong đó tập trung vào nội dung liên kết trong hoạt động kinh doanh giữa các doanh nghiệp bảo hiểm với các ngân hàng thương mại thông qua mạng lưới chi nhánh và phòng giao dịch ngân hàng, từ đó sẽ siết chặt, kiểm soát và bảo vệ quyền lợi người mua bảo hiểm nhân thọ cũng như các doanh nghiệp.
Trước khi mua sản phẩm bảo hiểm nhân thọ, người dân cần tìm hiểu kỹ để tránh vướng mắc sau này. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
"Quốc hội cũng đã thông qua Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). Tiếp theo đó, Chính phủ và Bộ Tài chính cũng đã khẩn trương soạn thảo và ban hành nghị định cũng như thông tư hướng dẫn. Tất cả những văn bản quy định pháp lý này đều nhằm mục đích: Thứ nhất là đảm bảo cho thị trường bảo hiểm hoạt động lành mạnh, an toàn, phát triển bền vững; Thứ hai là phải đảm bảo quyền lợi tối đa cho người tham gia bảo hiểm", ông Doãn Thanh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý, Giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính, cho biết.
Bảo hiểm nhân thọ đem lại nhiều tác dụng thiết thực. Ở Việt Nam, người dân ngày càng nhận thức rõ lợi ích của bảo hiểm nhân thọ nên thị trường tăng trưởng khả quan trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, không ít khách hàng vô cùng bức xúc về cách triển khai và cách các đại lý giải thích về những vấn đề liên quan đến hợp đồng bảo hiểm nhân thọ một cách không rõ ràng. Vì vậy, bên cạnh việc siết chặt quản lý của cơ quan quản lý nhà nước, bản thân người dân trước khi mua sản phẩm bảo hiểm nhân thọ cũng cần tìm hiểu kỹ để tránh vướng mắc sau này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!