Siết hoạt động tư vấn, lành mạnh hóa thị trường bảo hiểm nhân thọ

VTV Digital-Thứ ba, ngày 18/04/2023 06:00 GMT+7

VTV.vn-Theo các chuyên gia bảo hiểm, siết lại quá trình đào tạo cùng với sát hạch là những bước đầu tiên và quan trọng nhất, giúp thị trường bảo hiểm nhân thọ hoạt động lành mạnh.

Chiều 17/4, Cục Quản lý, Giám sát Bảo hiểm -  Bộ Tài chính đã tổ chức buổi họp riêng với các doanh nghiệp bảo hiểm, trong đó, một nội dung được đặc biệt quan tâm là vấn đề tư vấn bảo hiểm.

Tư vấn bảo hiểm: Kỳ vọng cần sát thực tế

Ông Trịnh Ngọc Thệ, TP. Hà Nội: Người tư vấn nói ngon ngọt để lấy doanh thu thôi. Tôi mua rồi nhưng chán, về nghiên cứu mới biết mình bị hố. Dừng lại không thu nổi vốn ban đầu.

Ông Nguyễn Văn An, TP. Hà Nội: Tư vấn có những cái như kiểu cài bẫy sau này mới nhận ra. Người ta nói trong quá trình tham gia, mình đứt đoạn thì có khả năng mất. Người ta nói thế thì mình không tham gia hoặc tham gia ngắn thôi để rồi cuối cùng bị mất không quyết toán được vì mình đóng 10 năm rồi.

Hiện có 3 kênh tư vấn: Một là qua các đại lý, tức là cá nhân độc lập phân phối bảo hiểm để hưởng hoa hồng, qua ngân hàng và qua văn phòng tư vấn của công ty bảo hiểm. Không ít trường hợp nhân viên ngân hàng hoặc đại lý hoặc chưa có đủ kiến thức hoặc chưa đủ tâm.

Ông Ngô Trung Dũng, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, cho biết: "Không phải tất cả mà một số trường hợp đại lý xấu, coi đại lý như nghề kiếm ăn. Gọi là lừa không sai. Khi doanh nghiệp nước ngoài tham gia thị trường, có những đại lý hoặc nhóm đại lý nhảy từ doanh nghiệp này sang doanh nghiệp kia. Có những chiến dịch trả thu nhập người ta vượt cả phí năm đầu. Có những câu chuyện hợp đồng ảo, đại lý ma là như vậy".

Siết hoạt động tư vấn, lành mạnh hóa thị trường bảo hiểm nhân thọ - Ảnh 1.

Ước tính trong 3 năm trở đây, có hơn 9.800 cá nhân đã bị Hiệp hội Bảo hiểm đưa vào danh sách vi phạm và cấm hành nghề trong vòng 3 năm. Theo Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam, thời gian qua, các doanh nghiệp cũng đã nỗ lực tập trung nhiều hơn vào chất lượng thay vì số lượng đại lý như giai đoạn trước.

Bộ Tài chính yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm rà soát lại quy trình

Tại cuộc họp chiều 17/4, Cục Quản lý Giám sát Bảo hiểm cũng đã yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm rà soát lại tổng thể các quy trình bán hàng và thẩm định tại doanh nghiệp.

Trong đó, phải công khai các thông tin liên quan tới nội dung khách hàng cần lưu ý, kiểm soát thông tin tại bảng minh hoạ bán hàng và tài liệu liên quan; tổ chức thiết lập đường dây nóng để xử lý dứt điểm, kịp thời các phản ánh của khách hàng. Cùng với đó, cần chấn chỉnh công tác thẩm định cấp hợp đồng bảo hiểm, sao cho phù hợp với khả năng tài chính và mức độ chấp nhận rủi ro của khách. Song song với đó, rà soát toàn bộ công tác đào tạo đại lý bảo hiểm và có hình thức đào tạo bổ sung với các trường hợp đào tạo trực tuyến thời gian qua, và tăng cường, bổ sung chế tài xử phạt các trường hợp vi phạm. Bộ Tài chính cũng yêu cầu Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam khẩn trương rà soát và hoàn thiện các bộ quy tắc chuẩn mực.

Những nội dung vừa rồi cũng chính là yêu cầu và là kỳ vọng của cơ quan quản lý đối với hoạt động tư vấn bảo hiểm thời gian tới. Và chắc chắn, chỉ có sự tiếp thu thẳng thắn và thấu đáo từ chính các doanh nghiệp bảo hiểm thì chất lượng tư vấn mới thực sự được cải thiện, để những lợi ích thực sự của bảo hiểm có thể tới gần với kỳ vọng của người dân.

Siết hoạt động tư vấn, lành mạnh hóa thị trường bảo hiểm nhân thọ

Theo quy định hiện nay, đại lý bảo hiểm sẽ được trải qua quy trình đào tạo của công ty bảo hiểm, tham gia kỳ thi sát hạch của Bộ Tài chính, sau đó sẽ được Hiệp hội Bảo hiểm cấp code hoạt động.

Các chuyên gia bảo hiểm cho rằng, siết lại quá trình đào tạo đi đôi với sát hạch, là những bước đầu tiên và quan trọng nhất, nhằm giúp thị trường bảo hiểm nhân thọ hoạt động lành mạnh.

Siết hoạt động tư vấn, lành mạnh hóa thị trường bảo hiểm nhân thọ - Ảnh 2.

Ông Trần Nguyên Đán, Giảng viên Chuyên ngành Bảo hiểm và Quản trị rủi ro tài chính - Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh, nói: "Những nước phát triển, muốn làm đại lý bảo hiểm phải qua kỳ sát hạch sát sao. Vượt kỳ sát hạch sản phẩm nào thì chỉ được bán sản phẩm đó. Khi siết lại đào tạo và sát hạch, trình độ của đại lý sẽ tăng lên".

Bên cạnh đó, hoạt động tư vấn, bán bảo hiểm của các đại lý cần được kiểm tra thường xuyên, nhằm đảm bảo khách hàng được tư vấn đúng và đủ.

Tuy nhiên, công ty bảo hiểm lớn hiện có thể có hàng chục nghìn tới hàng trăm nghìn đại lý. Việc kiểm tra được hết các khách hàng bảo hiểm nhân thọ có được tư vấn đúng, đủ hay không, sẽ là điều không dễ thực hiện.

Pháp luật liên quan đến lĩnh vực bảo hiểm được đánh giá là khá đầy đủ. Mặc dù vậy, các chuyên gia cho rằng, cần thay đổi chế tài xử phạt với các công ty bảo hiểm, nhằm hạn chế tối đa sai sót trong quá trình tư vấn sản phẩm.

Ông Phan Phương Nam, Phó trưởng khoa Luật Thương mại, Đại học Luật TP Hồ Chí Minh, cho biết: "Pháp luật cũng cần quy định thêm về chế tài xử lý sao cho phù hợp. Chúng ta đừng đưa ra một khung cố định từ bao nhiêu đến bao nhiêu triệu đồng. Một số quốc gia nó phạt theo tỷ lệ doanh thu, vì thế, nếu doanh thu càng lớn thì số tiền bị phạt càng nhiều mặc dù anh có thể chỉ vi phạm một trong những trường hợp để tạo doanh thu đấy thôi".

Theo các chuyên gia, hiện bảo hiểm nhân thọ đang được bán qua 3 kênh chủ lực: Đại lý bảo hiểm, công ty đại lý tổ chức và các ngân hàng, trong đó tỷ trọng kênh ngân hàng ngày càng tăng.

Siết hoạt động tư vấn, lành mạnh hóa thị trường bảo hiểm nhân thọ - Ảnh 3.

Số liệu từ Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, nửa đầu 2022, doanh thu phí bảo hiểm qua kênh baccasurance chiếm tới 41% tổng doanh thu khai thác mới. Do đó, rất cần có cơ chế phối hợp giám sát giữa Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước.

Ông Phan Phương Nam cho biết thêm: "Tôi nghĩ nên xây dựng một quy chế phối hợp. Khi thanh tra ngân hàng bán bảo hiểm trong trường hợp này thì trách nhiệm Ngân hàng nhà nước thanh tra cái gì, trách nhiệm BTC kiểm tra hoạt động này là kiểm tra những nội dung như thế nào?".

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng đề xuất thành lập Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tài chính để đảm bảo tốt nhất quyền lợi người dân khi tham gia các sản phẩm tài chính, trong đó có bảo hiểm.

Bảo hiểm ai cũng có thể hiểu và có thể có bởi tính ra, thị trường bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam có quy mô không hề nhỏ. Năm 2022, tổng doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ tại thị trường Việt Nam đạt gần 178.300 tỷ đồng với tổng số hợp đồng bảo hiểm nhân thọ đang có hiệu lực khoảng 13,92 triệu hợp đồng. Nhu cầu và tiềm năng tăng trưởng là thấy rõ, nhưng nếu chỉ vì lợi ích trước mắt của số ít tư vấn viên bảo hiểm thiếu kinh nghiệm hoặc thiếu đạo đức thì kỳ vọng về một thị trường bảo hiểm lớn mạnh, sẽ khó có thể trở thành thực tế.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước