Siêu thị chuẩn bị hàng Tết

Thuỳ An-Thứ hai, ngày 06/12/2021 14:57 GMT+7

VTV.vn - Nhu cầu tiêu dùng của người dân dự báo sẽ tăng cao khi mà Tết Dương lịch cũng như Tết Nguyên đán đang đến gần.

Dự báo báo của WinCommerce cho biết sức mua Tết Nhâm Dần 2022 sẽ giảm nhẹ so với cùng kỳ Tết 2021. Theo đó, ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều người bị giảm thu nhập, tỉ lệ thất nghiệp cao dẫn đến khách hàng thắt chặt chi tiêu. 

“Người tiêu dùng sẽ có xu hướng chỉ tập trung chủ yếu vào các mặt hàng cơ bản như: hàng Tươi sống, thực phẩm thiết yếu và một số mặt hàng có tính thời vụ như bánh kẹo, bia, nước giải khát, rượu… phục vụ cho việc đón Tết”, WinCommerce dự báo.

Thông tin về kế hoạch chuẩn bị hàng hoá cho Tết Nhâm Dần 2022, WinCommerce cho biết đã làm việc với các nhà cung ứng lớn ngay từ thời điểm tháng 9 và tháng 10, chốt sản lượng cho tất cả các mặt hàng chủ lực. Lượng hàng hoá hệ thống VinMart/VinMart+ (thuộc sở hữu của WinCommerce) chuẩn bị cho giai đoạn Tết tăng 40% - 50% so với lượng bán bình quân, tập trung vào các nhóm hàng tươi sống, thực phẩm và đồ dùng thiết yếu, các mặt hàng thời vụ Tết.

“Năm nay chúng tôi tập trung vào các chương trình khuyến mại, tăng giá trị giỏ quà. Bên cạnh đó cũng thương thảo với tất cả các nhà cung cấp nhằm cung cấp hàng hóa với giá ổn định trong những thời điểm nhu cầu mua sắm tăng cao”, bà Tạ Thị Minh Hợp - Giám đốc cung ứng hệ thống bán lẻ VinMart/VinMart+ cho biết.

Siêu thị chuẩn bị hàng Tết - Ảnh 1.

Nhu cầu tiêu dùng của người dân dự báo sẽ tăng cao khi mà Tết Dương lịch cũng như Tết Nguyên đán đang đến gần

Trong khi đó, đại diện của MM Mega Market Việt Nam cho biết, để chuẩn bị cho dịp Tết 2022, hệ thống này lên kế hoạch dự trữ cho những mặt hàng thiết yếu tăng từ 70 -100% so với những tháng bình thường và tăng 20-30 % so với dịp Tết 2021.

Để đáp ứng nhu cầu người dùng, MM Mega Market tập trung đảm bảo nguồn cung cho những mặt hàng thiết yếu như: Rau củ quả, thịt, cá, hàng thực phẩm, bánh kẹo, đồ uống… Bên cạnh đó là một số hàng phi thực phẩm như đồ dùng gia dụng như: xXoong nồi, muỗng nĩa, ly chén, đồ dùng lưu trữ thực phẩm… Ngoài ra, hệ thống này còn cung cấp thêm hàng đặc sản vùng miền, hàng nhập khẩu và đặc sản Tết để đa dạng hoá nhu cầu của người tiêu dùng.

Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho biết tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 11/2021 ước tính đạt 397,1 nghìn tỷ đồng, tăng 6,2% so với tháng trước. Dự báo nhu cầu tiêu dùng của người dân sẽ tiếp tục tăng cao khi Tết Dương lịch cũng như Nguyên đán đang đến gần.

Cuối tháng 11 vừa qua, Bộ Công Thương đã ban hành chỉ thị về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường.

Bộ Công Thương yêu cầu Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo dõi, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hóa.

Bộ Công Thương lưu ý về các mặt hàng thiết yếu, những mặt hàng có nhu cầu cao hoặc có biến động giá nhiều trên địa bàn để chủ động phương án hoặc đề xuất với các cơ quan chức năng biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường. Cùng với đó, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán hoặc trong trường hợp dịch bệnh bùng phát.

Chỉ thị của Bộ Công Thương cũng chỉ đạo Cục Quản lý thị trường tại các địa phương tăng cường công tác quản lý địa bàn, kiểm tra, kiểm soát thị trường, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá, kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, không bảo đảm an toàn thực phẩm và các hành vi gian lận trong thương mại.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước