So với bảng xếp hạng năm ngoái, thành phố Zurich (Thụy Sỹ) đã vượt New York (Mỹ) để sánh ngang với Singapore - thành phố đã "trụ vững" trong nhiều năm về mức chi phí sinh hoạt đắt đỏ nhất thế giới.
Danh sách những thành phố đắt đỏ nhất thế giới sau ba thành phố kể trên còn có Geneva (Thụy Sỹ), Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc), Los Angeles (Mỹ), Paris (Pháp), Copenhagen (Thụy Điển) và Tel Aviv của Israel. Mỹ còn có một thành phố nữa trong top 10 danh sách trên là San Francisco.
Theo các chuyên gia của Cơ quan tình báo kinh tế (EIU) thuộc The Economist, ước tính trong năm qua, giá cả tiêu dùng đã tăng trung bình 7,4% tại 173 thành phố lớn, thấp hơn chút ít so với mức tăng lạm phát kỷ lục 8,1% của năm 2022. Tính toán này được dựa trên giá cả của 200 mặt hàng và dịch vụ.
Người phụ trách cuộc khảo sát giá cả hàng hóa và dịch vụ của The Economist, bà Upasana Duttare, cho rằng cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt còn lâu mới kết thúc và mức giá vẫn sẽ cao hơn nhiều so với thời kỳ khủng hoảng giá cả trước đây. Chuyên gia này kỳ vọng lạm phát sẽ giảm tốc trong năm 2024 nhờ các biện pháp tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương.
Cũng theo bảng xếp hạng của The Economist, thủ đô Damascus của Syria là thành phố có chi phí sinh hoạt rẻ nhất thế giới, tiếp sau là Tehran (Iran).
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!