Thông báo của Bộ Thương mại và Công nghiệp (MTI) và Cơ quan Quản lý tiền tệ Singapore (Ngân hàng Trung ương - MAS) ngày 23/8 cho biết, lạm phát cơ bản không bao gồm các chi phí đi lại và chỗ ở tư nhân đã giảm còn 0,8% trong tháng 7, bằng với mức lạm phát kể từ tháng 4/2016. Mức lạm phát chung là 0,4%, giảm so với con số 0,6% trong tháng trước.
Trong tháng 7, tổng chi phí của các mặt hàng bán lẻ giảm 1,0% so với cùng kỳ năm ngoái, trái ngược mức tăng 0,4% trong tháng 6. Chi phí điện và gas đã giảm 7,0% so với năm ngoái. Lạm phát trong lĩnh vực dịch vụ ở mức 1,6% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm nhẹ so với con số 1,7% trong tháng 6, xuất phát từ tốc độ tăng chậm hơn các chi phí cho các kỳ nghỉ lễ và chi phí dịch vụ viễn thông giảm mạnh. Giá cả thực phẩm có mức tăng 1,4%, không thay đổi so với tháng trước. Chi phí giao thông đường bộ tư nhân tăng 0,3% do sự gia tăng chi phí sửa chữa và bảo trì thiết bị giao thông cá nhân; trong khi chi phí chỗ ở đã giảm 0,9% so với cùng kỳ năm ngoái do giá thuê nhà giảm dần.
Các con số lạm phát trong tháng 7 thấp hơn những gì được Bloomberg dự báo trước đó. Theo các nhà phân tích của Bloomberg, mức lạm phát chung tháng 7 của Singapore là 0,5% và lạm phát cơ bản là 1%.
Lạm phát cơ bản là thước đo giá ưu tiên của MAS trong việc thiết lập chính sách tiền tệ của nước này. Các nhà kinh tế trước đây cho rằng Singapore sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ tại cuộc họp vào tháng 10 tới, động thái này dường như ngày càng có khả năng xảy ra trong bối cảnh những con số lạm phát mới nhất và triển vọng kinh tế có phần tiêu cực hơn.
Đầu tháng này, Singapore đã cắt giảm từ 0% đến 1% mức dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm nay xuống còn từ 1,5% đến 2,5% và dự báo các mặt hàng xuất khẩu phi dầu mỏ sẽ tăng trưởng âm từ -9% đến -8%.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!