CEO SoftBank Masayoshi Son. (Ảnh: Axios)
Đây là quỹ thứ hai do tập đoàn này thành lập để đầu tư vào các công ty công nghệ, sau quỹ đầu tiên mang tên Vision Fund hồi cuối năm 2016.
Với 108 tỷ USD vốn cam kết đóng góp, Quỹ Vision Fund thứ hai có quy mô lớn hơn so với Quỹ Vision Fund thứ nhất. Chỉ riêng SoftBank đóng góp 38 tỷ USD cho quỹ mới. Số còn lại đến từ các tên tuổi trong lĩnh vực công nghệ như Apple, Microsoft, Foxconn…, các ngân hàng lớn như Standard Chartered, Mizuho, Sumitomo Mitsui, MUFG và nhiều doanh nghiệp khác.
Đáng chú ý, thành phần các nhà đầu tư của quỹ Vision Fund thứ hai cho thấy sự đa dạng hóa hơn, và vắng mặt các quỹ đầu tư đến từ Trung Đông - nơi đã cung cấp 60 trong tổng số 100 tỷ USD của quỹ Vision Fund thứ nhất. SoftBank cho biết vẫn đang đàm phán với nhiều nhà đầu tư tiềm năng hơn và dự đoán số vốn của quỹ mới sẽ còn tăng thêm nữa.
Theo SoftBank, quỹ Vision Fund thứ hai hướng tới mục tiêu thúc đẩy sự phát triển công nghệ Trí tuệ nhân tạo (AI), bằng cách đầu tư vào các công ty lấy công nghệ làm động lực tăng trưởng và dẫn đầu thị trường. Trước đó, quỹ Vision Fund đầu tiên đã mang lại lợi nhuận 45% nhờ đầu tư vào các công ty công nghệ và viễn thông toàn cầu như Uber, Slack, WeWork, Flipkart.
Tuy nhiên theo Bloomberg, mọi việc với Vision Fund thứ hai sẽ khó khăn hơn nhiều. Bởi khác với thời điểm 2016, những kỳ lân trong làng công nghệ có tiềm lực đầu tư giờ đã không còn nhiều. Thay vào đó, ông Masayoshi Son và các đồng sự giờ đây sẽ phải tìm kiếm kỹ hơn, lựa chọn các công ty đang ở giai đoạn tiềm năng. Điều này cũng đồng nghĩa với rủi ro lớn hơn nhưng lợi nhuận cũng cao hơn. Giới chuyên gia kỳ vọng, Vision Fund thứ hai sẽ đầu tư nhiều hơn tại Ấn Độ, Trung Quốc, Đông Nam Á, xa hơn nữa là châu Mỹ Latin, Đông Âu và thậm chí các nước châu Phi. Điều này sẽ mang lại nhiều cơ hội lớn cho cả các công ty khởi nghiệp lẫn người lao động địa phương.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!