Câu chuyện "lan đột biến trăm tỷ" đang là chủ đề nóng trên các báo số ra sáng nay. Theo phản ánh trên báo Lao động, không chỉ mất tiền, nhiều người lâm vào cảnh khốn cùng do nợ nần, thậm chí phải bỏ trốn vì đầu tư lan đột biến. Họ huy động tiền người thân, vay tín dụng đen, đến thế chấp đất đai, nhà cửa vay tiền ngân hàng.
Trước diễn biến phức tạp này, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Hòa Bình đã có công văn đề nghị các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn chấn chỉnh hoạt động cho vay các giao dịch có nguy cơ rủi ro cao, nhất là có liên quan đến yếu tố lan đột biến.
Thị trường lan đột biến trở nên sôi động sau dịch COVID-19 với những thương vụ, giao dịch khủng. (Ảnh: Dân trí)
Đại diện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Hòa Bình nhấn mạnh: "Chúng tôi cảnh báo người dân cần hết sức thận trọng, kể cả tiền của mình hay tiền đi vay, trong lúc chưa kịp đầu tư vào sản xuất, không nên thấy món hời trước mặt lại đầu tư vào lan đột biến".
Bài viết cũng cảnh báo, giao dịch lan đột biến không giống như giao dịch khác. Cụ thể, lan không đánh số như giao dịch xe máy có số khung, số máy để kiểm tra. Khi giao dịch xong, nhiều người mang hoa về mới phát hiện mình bị lừa.
Siết tín dụng bất động sản khó chặn được sốt đất
Rất nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn cơn sốt đất lan rộng đã được thảo luận sôi nổi tại các diễn đàn thời gian gần đây. Sáng nay, Báo Đầu tư đã đặt ra câu hỏi: "Siết chặt vốn tín dụng liệu có chặn được sốt đất?"
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước thừa nhận tín dụng bất động sản đang tăng khá nóng. Cụ thể, tính đến giữa tháng 3/2021, tín dụng bất động sản tăng 2,13%, cao hơn mức tăng bình quân của tín dụng toàn hệ thống (2,04%).
Mặc dù vậy, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho hay, tín dụng bất động sản tăng cao chỉ tập trung ở một số ngân hàng. Theo khảo sát tại một số ngân hàng, tín dụng cho vay với bất động sản vẫn ở mức an toàn, khi chỉ chiếm 11, hoặc 13% tổng dư nợ.
Bài báo phân tích, hiện có nhiều luồng vốn đổ vào thị trường bất động sản, như: tiền "chốt lời" chứng khoán, từ rút tiết kiệm, trái phiếu doanh nghiệp, kiều hối, vốn FDI… nên siết tín dụng bất động sản sẽ không mấy hiệu quả với việc chặn sốt đất.
Hiện có nhiều luồng vốn đổ vào thị trường bất động sản, như: tiền "chốt lời" chứng khoán, từ rút tiết kiệm... (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)
Nguyên nhân chính dẫn đến cơn sốt đất tại nhiều địa phương hiện nay chủ yếu là do các địa phương công bố ồ ạt quy hoạch về đất đai, quy hoạch về đô thị, quy hoạch xây dựng, khiến "cò" mặc sức tung tin, tạo sốt ảo, nhà đầu tư lại thường có tâm lý "ăn theo" quy hoạch, nghĩ rằng cứ có quy hoạch là giá đất sẽ lên.
Hàng không, lữ hành "ngóng" quy trình chuẩn đón khách ngoại
Thông tin từ ngày 1/7/2021, Thái Lan sẽ mở cửa du lịch bay thẳng tới đảo Phuket đang làm "dậy sóng" các doanh nghiệp hàng không, lữ hành Việt.
Theo đó, du khách đã tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 sẽ không phải thực hiện quy trình cách ly. Hành khách được yêu cầu phải tiêm chủng ít nhất 2 mũi vaccine trước khi nhập cảnh Thái Lan, xuất trình giấy chứng nhận tiêm chủng, hộ chiếu vaccine.
Còn tại Việt Nam, theo Báo Giao thông, các hãng hàng không cũng sẵn sàng bay quốc tế trở lại, nếu được cấp phép. Tuy nhiên, các hãng vẫn phải chờ quyết định cuối cùng từ Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống dịch COVID-19, Bộ Y tế, Bộ Giao thông Vận tải.
Hiện nay, một số hãng đã khai thác một số đường bay quốc tế. Tuy nhiên, các chuyến bay này chưa phục vụ cho đa số hành khách đi lại hoặc du lịch, mà chỉ tập trung phục vụ nhu cầu của người Việt đi học tập, lao động, thăm thân nhân ở nước ngoài, người nước ngoài từ Việt Nam về nước đáp ứng được các quy định nhập cảnh của các nước.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!