S&P 500 và Nasdaq đạt mức cao kỷ lục

VTV Digital-Thứ năm, ngày 06/06/2024 09:50 GMT+7

VTV.vn - Trong phiên giao dịch 5/6, sắc xanh bao trùm thị trường chứng khoán Mỹ với chỉ số S&P 500 và Nasdaq đều xác lập kỷ lục mới.

Tâm điểm chú ý của thị trường trong phiên giao dịch đêm 5/6 (theo giờ Việt Nam) là những kỳ vọng về việc các ngân hàng trung ương lớn nới lỏng chính sách tiền tệ.

Tại Mỹ, niềm tin của nhà đầu tư vào khả năng Cục Dự trữ Liên bang (FED) cắt giảm lãi suất vào cuối năm nay đã gia tăng, giúp chứng khoán Phố Wall ghi nhận những kết quả tích cực.

Chốt phiên, cả 3 chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đều tăng điểm, trong đó S&P 500 và Nasdaq đóng cửa ở mức cao kỷ lục. Nhóm cổ phiếu công nghệ bứt phá mạnh mẽ, đặc biệt là Nvidia - công ty vừa chính thức vượt qua Apple, để trở thành doanh nghiệp có giá trị vốn hóa lớn thứ hại tại Mỹ.

S&P 500 và Nasdaq đạt mức cao kỷ lục - Ảnh 1.

Thị trường diễn biến tích cực, sau khi dữ liệu bảng lương tư nhân từ ADP cho thấy, số việc làm được tạo ra trong tháng 5 tại Mỹ giảm so với tháng 4 và thấp hơn nhiều so với dự báo của giới chuyên gia.

Dấu hiệu mới nhất về sự hạ nhiệt của thị trường lao động Mỹ có thể cung cấp cho giới chức FED thêm lý do để cắt giảm lãi suất. Theo công cụ FEDWatch của CME Group, sau thông tin này, khả năng FED giảm lãi suất vào tháng 9 tới đã được nâng từ mức 50% hồi tuần trước lên khoảng 70%.

Ông Michael Mussio - Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành, FBB Capital Partners cho biết: "Về tổng thể, các dữ liệu gần đây và các những số liệu từ bảng lương phi nông nghiệp sẽ được công bố vào thứ 6 tới đều cho thấy vẫn có sự tăng trưởng việc làm. Tuy nhiên, con số này đang có xu hướng giảm dần kể từ đầu năm và so với năm ngoái. Chúng tôi nghĩ rằng, điều này sẽ làm tăng đáng kể khả năng FED cắt giảm lãi suất".

S&P 500 và Nasdaq đạt mức cao kỷ lục - Ảnh 2.

Phiên 5/6, S&P 500 và Nasdaq lập kỷ lục mới. Ảnh minh họa. (Nguồn: Bloomberg)

Chứng khoán châu Âu tăng điểm trước thềm cuộc họp ECB

Còn tại châu Âu, mọi sự chú ý đổ dồn vào cuộc họp chính sách của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Giới đầu tư hiện nghiêng về khả năng ECB sẽ là ngân hàng trung ương lớn tiếp theo sau Ngân hàng Trung ương Canada (BOC) tiến hành cắt giảm lãi suất và những kỳ vọng này cũng là động lực chính, thúc đẩy chứng khoán châu Âu tăng điểm.

Sắc xanh đã bao phủ hầu hết các thị trường chứng khoán chủ chốt tại châu Âu, qua đó giúp chỉ số STOXX 600 của khu vực bật tăng 0,84%.

Tâm lý giới đầu tư đã được cải thiện đáng kể sau các dữ liệu cho thấy, hoạt động kinh doanh tại Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong tháng 5 mở rộng tháng thứ ba liên tiếp, còn kinh tế Anh cũng khởi sắc.

S&P 500 và Nasdaq đạt mức cao kỷ lục - Ảnh 3.

Giới đầu tư hiện đang chờ đợi cú hích mạnh mẽ hơn nữa khi ECB dự kiến sẽ thực hiện đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên kể từ năm 2019, qua đó thổi luồng sinh khí mới vào thị trường nhà đất, đầu tư kinh doanh và chi tiêu tiêu dùng của châu Âu.

Ông Carsten Brzeski - Trưởng bộ phận Nghiên cứu vĩ mô toàn cầu, ING Research nhận định: "Giới chức ECB trong những tháng gần đây đã đề cập đến việc cắt giảm lãi suất và có thể thực hiện việc cắt giảm 0,25 điểm % trong tuần này. Đó sẽ là bước khởi đầu cho quá trình nới lỏng chính sách tiền tệ".

Dự báo triển vọng lãi suất ECB

Việc ECB cắt giảm lãi suất trong cuộc họp ngày 5/6 là điều nhiều nhà đầu tư đang rất tin tưởng, tuy nhiên một yếu tố khác cũng đang rất được quan tâm là lộ trình lãi suất sau đó sẽ ra sao? Liệu Chủ tịch ECB Christine Lagarde có đưa ra dấu hiệu về những đợt cắt giảm lãi suất khác trong tương lai giống như Ngân hàng Trung ương Canada đã làm?

Theo nhiều chuyên gia, cới châu Âu, tình hình có thể sẽ khác bởi các dữ liệu mới đây cho thấy lạm phát tại Eurozone có dấu hiệu nóng trở lại, còn kinh tế vẫn vững vàng. Do vậy, ECB có lý do để hành động thận trọng và linh hoạt hơn.

Các thị trường hiện đang dự báo ECB sẽ tiến hành cắt giảm lãi suất tổng cộng 0,6 điểm % trong năm nay, đồng nghĩa sẽ có hai đợt giảm và khả năng có thêm một đợt giảm thứ ba nếu tình hình lạm phát và kinh tế được cải thiện.

S&P 500 và Nasdaq đạt mức cao kỷ lục - Ảnh 4.

Trụ sở Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tại Frankfurt, Đức. (Ảnh: Bloomberg)

Còn với bà Lagarde và các quan chức ECB, thông điệp chính được đưa ra sau cuộc họp có lẽ vẫn sẽ là "hành động dựa trên các dữ liệu". Điều này sẽ cho phép ECB duy trì tính linh hoạt tối đa về mức độ cắt giảm lãi suất càng lâu càng tốt.

Ông Philip Lane - Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cho biết: "Sẽ là hợp lý khi chúng tôi tiếp tục áp dụng cách tiếp cận dựa trên dữ liệu để quyết định mức lãi suất phù hợp trong từng cuộc họp. Chúng tôi sẽ không đưa ra cam kết về bất kỳ lộ trình cụ thể nào. Tốc độ cắt giảm lãi suất sẽ được thiết lập phù hợp với các dữ liệu kinh tế sắp tới. Việc cắt giảm sẽ diễn ra nhanh hơn, nếu có những sự sụt giảm bất ngờ trong dữ liệu lạm phát cơ bản và nhu cầu".

'Cơn sốt' cổ phiếu meme trở lại Phố Wall "Cơn sốt" cổ phiếu meme trở lại Phố Wall Phố Wall đồng loạt tăng điểm Phố Wall đồng loạt tăng điểm Căng thẳng Trung Đông 'nhấn chìm' Phố Wall Căng thẳng Trung Đông "nhấn chìm" Phố Wall

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước