SSI: Trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục là kênh dẫn vốn hấp dẫn

VTV Digital-Thứ tư, ngày 23/03/2022 12:10 GMT+7

(Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)

VTV.vn - Giới phân tích kỳ vọng thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm nay khả năng tăng trưởng tốt do cả cung và cầu vẫn được duy trì ở mức cao.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Tú, chuyên viên phân tích cao cấp, Công ty chứng khoán SSI, năm 2022, trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục là kênh dẫn vốn tiềm năng. Bên cạnh đó, lãi suất phát hành trái phiếu có thể sẽ nhích tăng.

Nhóm phân tích của SSI đưa ra dự đoán mặt bằng lãi suất tiền gửi năm nay có thể tăng nhẹ 20 - 25 điểm phần trăm, nên chênh lệch lãi suất kênh trái phiếu doanh nghiệp so với kênh tiền gửi vẫn duy trì ở mức hấp dẫn. Vì vậy, nhu cầu đầu tư vào kênh dẫn vốn này vẫn cao.

Mặt khác, quy mô trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong năm 2022 ước khoảng 266.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 19% lượng trái phiếu lưu hành. Do đó, nhu cầu phát hành để đảm bảo vòng quay vốn của các doanh nghiệp là lớn, đồng thời hoạt động sản xuất kinh doanh được kỳ vọng sẽ sôi động hơn năm 2021 khiến nguồn cung trái phiếu doanh nghiệp dự kiến vẫn rất dồi dào.

"Khả năng lợi suất trái phiếu doanh nghiệp có thể đã tạo đáy trong năm 2021 và nhích tăng trong năm 2022", bà Tú dự báo, "hiện mặt bằng lãi suất tiền gửi nhích tăng nên lợi suất trái phiếu doanh nghiệp cũng sẽ tăng theo do phần lớn trái phiếu doanh nghiệp phát hành có lãi suất thả nổi. Bên cạnh đó, xu hướng tăng lãi suất điều hành của các ngân hàng trung ương lớn và áp lực lạm phát trên thế giới có thể tác động đến tâm lý nhà đầu tư, làm tăng kỳ vọng lãi suất với các đợt phát hành trái phiếu mới".

Tuy nhiên, bà Tú lưu ý, những thay đổi về pháp lý sẽ có những tác động lớn đến thị trường. Cụ thể, dự thảo sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP đối với phát hành trái phiếu riêng lẻ, ngoài việc quy định chi tiết hơn (về trách nhiệm công bố thông tin, hoạt động lưu ký tập trung, điều kiện đăng ký/thay đổi/hủy bỏ giao dịch trên Sở giao dịch chứng khoán… ) còn đưa ra một số điểm sửa đổi bổ sung quan trọng.

Theo đó, doanh nghiệp sẽ không được phát hành trái phiếu để góp vốn dưới mọi hình thức, mua cổ phần, mua trái phiếu của doanh nghiệp khác, hoặc cho doanh nghiệp khác vay vốn.

Ngoài ra, trường hợp phát hiện doanh nghiệp phát hành sử dụng tiền thu từ phát hành trái phiếu không đúng mục đích tại phương án phát hành trái phiếu hoặc cam kết, nhà đầu tư có quyền yêu cầu doanh nghiệp phát hành trái phiếu mua lại trái phiếu trước hạn.

Dự thảo cũng đưa ra quy định về yêu cầu có xếp hạng tín nhiệm đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu và trái phiếu phát hành trong trường hợp phát hành trái phiếu cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân, phát hành trái phiếu không có tài sản đảm bảo, không có bảo lãnh thanh toán, doanh nghiệp phát hành có kết quả kinh doanh của năm liên trước năm phát hành lỗ hoặc có lỗ lũy kế tính đến năm phát hành.

Cũng theo bà Tú, các quy định trên nếu có hiệu lực sẽ giảm bớt đáng kể cơ hội huy động vốn trái phiếu của các doanh nghiệp. Ngoài ra, việc siết cứng quy định về mục đích phát hành với dòng vốn trái phiếu (thường dài 3 - 5 năm) cũng có thể khiến doanh nghiệp phải cân nhắc lại về kênh gọi vốn này.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước