Theo ông Choi Huyn Man, khi xung đột thương mại giữa Mỹ - Trung Quốc xảy ra, phần nào các doanh nghiệp Mỹ và Trung Quốc muốn thương lượng thỏa thuận với nhau. Còn trong trường hợp không thỏa thuận được, có khoảng 47% doanh nghiệp Mỹ tại Trung Quốc cho biết họ sẽ chuyển sản xuất sang Việt Nam. Do đó, Việt Nam sẽ được hưởng lợi.
Tuy nhiên để thu hút được dòng vốn ngoại về lâu dài, Việt Nam cần những yếu tố mang tính bền vững hơn. Hiện nay kinh tế chủ yếu đang dựa vào sản xuất, tuy nhiên sau năm 2019 - khi kinh tế thế giới đã đạt đến đỉnh trong 10 năm, kinh tế sẽ có xu hướng đi xuống. Lúc đó sản xuất sẽ không còn là chủ đạo, thay vào đó là dịch vụ, công nghệ thông tin. Những ngành này sẽ là lợi thế với các quốc gia có độ tuổi lao động trẻ chỉ 26 - 27 tuổi như Việt Nam. Do vậy, ông Choi Huyn Man cho rằng từ 5 - 10 năm tới, dòng vốn đầu tư ngoại vẫn sẽ tăng trưởng tại Việt Nam. Riêng Tập đoàn Mirae Asset có kế hoạch đầu tư thêm khoảng 2 tỷ USD vào Việt Nam.
Cũng theo ông Choi Huyn Man, với một thị trường mới nổi được đánh giá là hấp dẫn hàng đầu như Việt Nam, thu nhập người lao động tăng, sự dịch chuyển chuỗi giá trị toàn cầu và các đợt bán tháo trên thị trường chứng khoán... tất cả đều là những biến động phải có, nhưng Việt Nam sẽ có đủ nội lực để vượt qua và duy trì tốc độ tăng trưởng 6,5% một năm. Ở khía cạnh nào đó, sự biến động của một thị trường mới nổi như Việt Nam còn trở thành "ma lực" hấp dẫn các doanh nghiệp FDI.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!