Tuy được gọi là một sắc thuế mới nhưng Thuế Tài sản hay Thuế Bất động sản đã được hầu hết các nước trên thế giới áp dụng, thậm chí còn là sắc thuế cơ bản, mang lại nguồn thu lớn ở miền Nam Việt Nam trước năm 1975.
Mặc dù vẫn còn nhiều ý kiến chưa đồng thuận với một số điểm của dự thảo Luật Thuế Tài sản hiện hành nhưng nhiều ý kiến đều cho rằng, việc ban hành Luật thuế này là cần thiết nhằm thu đúng, thu đủ mọi khoản thu vào ngân sách Nhà nước và chống đầu cơ thao túng thị trường nhà đất vốn là nguyên nhân chính của tình trạng bong bóng bất động sản trong nhiều năm qua.
Theo Bộ Tài chính, tỷ lệ thuế tài sản so với GDP ở nhiều nước châu Á là khoảng 2%/GDP, trong khi ở Việt Nam, tỷ lệ này thấp hơn 55 lần và hiện cũng mới chỉ điều tiết đối với đất. Do vậy, Bộ này cho rằng việc ban hành Luật Thuế Tài sản là cần thiết để mở rộng cơ sở thuế, góp phần quản lý Nhà nước đối với tài sản, khai thác tốt nguồn thu từ tài sản và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Ở góc độ khác, nhiều chuyên gia cho rằng, đất đai là tài sản hữu hạn nên rất cần ban hành một sắc thuế để quản lý nhằm tạo ra sự công bằng trong sở hữu nguồn tài sản này.
Nhiều năm qua, thị trường nhà đất đã chứng kiến các cơn sốt nóng lạnh và hội chứng "bong bóng" bất động sản. Hậu quả, chỉ một nhóm ngưởi hưởng lợi lớn, trong khi Nhà nước thất thu thuế, người có thu nhập trung bình và thấp rất khó để sở hữu nhà ở. Tuy thừa nhận phải có một công cụ pháp lý mới để điều tiết và quản lý thị trường nhà đất nhưng đại diện Hiệp hội BĐS TP.HCM đã cho rằng nên gọi tên là Thuế Bất động sản và ban hành vào sau năm 2020.
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, việc tăng thuế sẽ không làm tăng giá bán của Bất động sản. Tuy vậy, thuế suất phải thực hiện đánh lũy tiến, những người sở hữu giá trị nhà càng lớn, tỷ suất thuế càng phải cao.
Tuy mới đang ở dạng Dự thảo nhưng Luật Thuế Tài sản đã nhận được sự quan tâm và không ít phản hồi của dư luận. Một số chuyên gia dù đồng tình với việc đánh thuế là hợp thông lệ quốc tế nhưng đã đề nghị Bộ Tài chính xem xét kỹ lại một số nội dung của dự thảo. Ngoài việc xem xét lại mức thuế, giá trị nhà đóng thuế cũng cần tính đến quy định chỉ những người có từ căn nhà thứ 2 trở đi mới phải đóng thuế cho phù hợp với thực tế.
Nhà đất là tài sản có giá trị lớn và hết sức cần thiết trong đời sống của mỗi con người. Xây dựng và ban hành một công cụ pháp lý hữu hiệu để quản lý nhà đất, đảm bảo sự ổn định của thị trường bất động sản cũng như đảm bảo quyền có nhà ở của mỗi công dân là đòi hỏi tất yếu của thực tiễn.
Tuy nhiên, để Luật Thuế Tài sản làm được điều này và đi vào cuộc sống, phát huy được những mặt tích cực cần có sự nghiên cứu thấu đáo ở nhiều góc cạnh để khi Luật được ban hành vừa tạo thêm nguồn thu cho ngân sách Nhà nước nhưng cũng kiểm soát chặt chẽ thị trường bất động sản và thực hiện công bằng xã hội.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!