Liên quan tới câu chuyện về ứng dụng MOE+ tự xưng là "Quỹ trợ cấp y tế" huy động vốn với lãi suất cao tới hơn 50%/tháng phóng viên VTV đã phản ánh, theo tìm hiểu để dụ dỗ người tham gia, ngoài lãi suất cao được trả theo giờ, các môi giới của ứng dụng này còn đưa ra nhiều giấy tờ chứng minh là một doanh nghiệp được cấp phép hoạt động. Nhìn thấy các giấy tờ này, không ít người tham gia đã tin tưởng rót vốn mà không biết rằng những giấy tờ này đều có dấu hiệu giả mạo.
Trong giấy đăng ký kinh doanh nghiệp mà các môi giới của ứng dụng MOE+ đã giới thiệu tới các nhà đầu tư, giấy phép có tên Công ty TNHH Medtronic online E+ Việt Nam; mã số doanh nghiệp là 0313651200. Tuy nhiên, khi tra cứu thông tin trên cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp thì mã số này là của Công ty TNHH Medtronic Việt Nam, không phải là Medtronic Online E+.
Đại diện Công ty TNHH Medtronic Việt Nam cho biết tên gọi của công ty đã bị các đối tượng và các ứng dụng mạo danh sử dụng, để kêu gọi đầu tư tài chính bất hợp pháp. Công ty Medtronic không kinh doanh tài chính, cũng không thiết lập và vận hành các trang mạng, ứng dụng để kêu gọi người dẫn đầu tư tài chính.
Tờ giấy chứng nhận đăng ký bán hàng đa cấp cũng được các môi giới của MOE+ tung ra dụ dỗ các nhà đầu tư. Tuy nhiên, theo đại diện Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng thì Cục chưa từng cấp giấy phép nào cho Công ty TNHH Medtronic Online E+ hay là ứng dụng MOE+.
Ông Phạm Văn Cao - Phó trưởng Phòng điều tra và xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng khẳng định: "Chúng tôi chưa bao giờ cấp giấy chứng nhận bán hàng đa cấp cho công ty nào có tên là Medtronic E+ hay là dự án MOE+.
Trường hợp sử dụng hình ảnh tên của đơn vị chưa được cấp phép là có dấu hiệu giả mạo, người dân cần có sự cẩn trọng và kiểm tra thông tin chính thống của cơ quan quản lý nhà nước để đảm bảo là giấy phép đó có đúng hay không. Hiện nay các doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận bán hàng đa cấp chính thống, chúng tôi có danh sách trên web của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng".
Sau khi biết các giấy phép ở trên của MOE+ đưa ra đều có dấu hiệu giả mạo, không ít nhà đầu tư lúc này mới giật mình tỉnh dậy từ giấc mộng làm giàu. Bởi trước đó, không lâu trong các buổi hội thảo, hội nghị, các môi giới của MOE+ vẫn luôn khẳng định ứng dụng MOE+ là của Công ty TNHH Medtronic, không có chuyện MOE+ mạo danh Medtronic để lừa đảo.
"Có khi nào một ai đó mạo danh Medtronic lập trang web ảo làm điều này hay không? Họ kiện bứt nóc luôn, làm giả mạo là không có khả năng và không ai dám làm", môi giới của ứng dụng MOE+ nói.
Người tham gia vào ứng dụng MOE+ cho hay: "Khi họ giới thiệu với tôi họ có cho tôi xem giấy phép đăng ký kinh doanh. Tôi đã tin là công ty thật và tôi đã đầu tư. Sau khi app sập tôi mới biết là công ty giả danh".
Cách đây vài ngày, để hốt trọn "mẻ lưới" cuối cùng, ứng dụng MOE+ còn kịp ra mắt dự án mới với thời gian đầu tư chỉ 8 tiếng đồng hồ, lãi suất tới 21,36% .
Môi giới của ứng dụng MOE+ nói: "Được ăn, được nói, được gói mang về, được ti tỉ thứ. MOE+ không làm thì làm dự án nào, quy tụ hết anh em về đây".
Sau khi nhà đầu tư được quy tụ, vào tiền đông đủ thì cũng là lúc vở kịch "Quỹ trợ cấp y tế" ứng dụng MOE+ hạ màn. Chỉ trong vòng 1 đêm ứng dụng đã dừng hoạt động và biến mất.
"Đầu tư 4h, 8h hoặc là trong vòng 3 ngày, 10 ngày mình có thể lấy cả gốc và lãi rồi nên mọi người không để ý, bị cuốn vào đồng tiền nên giờ mất toàn bộ số tiền sau một buổi tối", người tham gia vào ứng dụng MOE+ cho biết.
Hàng nghìn nhà đầu tư của ứng dụng MOE+ giờ trắng tay, không biết tìm ai để đòi tiền khi các môi giới cũng lặn mất tăm không liên lạc được.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!