Chiều 15/3, Bộ Tài Nguyên Môi Trường đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) với các Liên hiệp hội, doanh nghiệp, chuyên gia và nhà khoa học... trong và ngoài nước.
Vấn đề được quan tâm và thu hút nhiều ý kiến đóng góp nhất chính là lĩnh vực tài chính đất đai với câu hỏi: Dự thảo Luật Đất đai sẽ có hướng bổ sung, sửa đổi như thế nào để có thể thu hút nguồn vốn từ nước ngoài, góp phần vào mục tiêu phát triển kép được Việt Nam đặt ra đến năm 2040.
Đánh giá khoản 2, điểm D, 35 của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là một bước tiến mới, tuy nhiên nhiều đại biểu tham dự hội thảo cũng cho rằng đây đồng thời cũng là thách thức khi vẫn chưa làm rõ quy định cho phép tiếp cận với nguồn vốn từ nước ngoài bằng cách thức này.
"Chúng ta có cơ hội là bằng pháp luật về đất đai, chúng ta quy định rõ điều này ra. Cần quy định rõ được phép thế chấp bằng quyền sử dụng đất tài sản thuộc sở hữu của mình tại tổ chức tín dụng được cấp phép hoạt động tại Việt Nam và tổ chức cấp tín dụng nước ngoài", ông Trần Tuấn Phong - Đồng Trưởng nhóm Công tác Cơ sở hạ tầng Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên (VBF) đề xuất.
"Việt Nam đã có cơ chế này như dự án BOT trong ngành điện. Nếu áp dụng cách này, doanh nghiệp Việt Nam có thể giảm được 50 điểm lãi suất và dòng vốn nước ngoài chắc chắn sẽ đổ về Việt Nam", ông Darryl Dong - Phó Giám đốc quốc gia Việt Nam Tổ chức tài chính quốc tế IFC nhận định.
Với mong muốn tạo ra cơ chế minh bạch, thuận lợi nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đất đai, đảm bảo phát huy tiềm lực đất đai trong phát triển đất nước, Bộ Tài Nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục tiếp nhận ý kiến đóng góp cho dự thảo cho đến khi hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!