Sửa Luật Đất đai: Lấy lợi ích của nhà nước, nhân dân làm nền tảng

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 15/02/2023 21:05 GMT+7

VTV.vn - Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này được các nhà nghiên cứu, các chuyên gia đánh giá là có nhiều tiếp thu, sửa đổi phù hợp hơn với thực tiễn.

Tuy nhiên để luật thật sự đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả, kể cả trong tầm nhìn phát triển đất nước vẫn cần có bổ sung, điều chỉnh. Việc bổ sung lấy ý kiến sẽ được thực hiện trên tinh thần lấy lợi ích của nhà nước, lợi ích của nhân dân làm nền tảng. Đây chính là nội dung của Hội thảo góp ý cho dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức sáng 15/2 tại TP Hồ Chí Minh.

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã có những tiếp thu, bổ sung hợp lý nhưng có ý kiến tại hội nghị cho rằng vẫn còn những vấn đề liên quan đến lợi ích người dân cần tiếp tục xem xét. Ví dụ như quy định lập kế hoạch sử dụng đất cấp quận huyện, ngoài vấn đề mỗi năm tốn đến hơn 5 tỷ đồng, mất nhiều thời gian, còn gây ra nhiều vướng mắc đến quyền lợi người dân

Bà Phan Thị Vi Vân - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bình Thuận cho biết: "Vì từ tháng 8 năm trước đến tháng 3 năm sau, trong quá trình sử dụng tất cả các vấn đề có liên quan đến quyền sử dụng đất của người dân đều ít nhiều bị ảnh hưởng".

Ngoài điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất mỗi 5 năm cho phù hợp, còn cần bổ sung quy định đảm bảo quyền lợi người sử dụng đất trong khu vực.

Bà Ung Thị Xuân Hương - Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP Hồ Chí Minh nêu ý kiến: "Những hộ dân sử dụng đất trong quy hoạch sử dụng đất và thu hồi theo kế hoạch, nhưng chưa thực hiện thì luật phải chuẩn hóa quyền của người ta được gì. Chúng tôi đề nghị là vẫn phải được thực hiện các quyền của người sử dụng đất".

Sửa Luật Đất đai: Lấy lợi ích của nhà nước, nhân dân làm nền tảng - Ảnh 1.

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này được các nhà nghiên cứu, các chuyên gia đánh giá là có nhiều tiếp thu, sửa đổi phù hợp hơn với thực tiễn. Ảnh minh họa: VGP

Cũng liên quan đến quyền lợi của người sử dụng đất khi bị thu hồi, vấn đề xác định thiệt hại và bồi thường cũng được đặt ra.

"Ngoài bồi thường về đất, tài sản trên đất còn có bồi thường cây trồng vật nuôi. Tuy nhiên, khoản 2 điều 100, chỉ có mỗi vật nuôi là thủy sản là thiếu sót rất lớn", PGS.TS Phan Trung Hiền - Trưởng Khoa Luật, Đại học Cần Thơ nêu rõ.

Một vấn đề lớn khác cũng được nhiều đại biểu quan tâm và trao đổi đó là thẩm quyền giải quyết các tranh chấp có liên quan đến đất đai khi dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã chỉ còn duy nhất phân cấp cho tòa án.

"Đề nghị bổ sung thêm một cấp giải quyết tranh chấp là UBND ở cơ sở, phù hợp với luật hòa giải cơ sở, phù hợp với nguyên tắc luật dân sự. Cơ chế xử lý tranh chấp đất đai ở UBND thủ tục đơn giản hơn, người dân không phải nộp lệ phí, nếu tranh chấp ở tòa là phải đóng phí", Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh cho biết.

Ngoài ra, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh đề nghị có riêng một chương trong dự thảo dành cho đất do nhà nước quản lý, hay còn gọi là đất công bởi đây là lĩnh vực chịu chi phối bởi nhiều đạo luật, quy định nhưng lại không có sự tương thích, thậm chí trái ngược nhau. Quy định cụ thể thời hạn thực hiện và hoàn thành khu tái định cư trước khi ban hành quyết định thu hồi đất cũng được đề nghị cần bổ sung, làm rõ trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Khẩn trương lấy ý kiến nhân dân về Luật Đất đai (sửa đổi) Khẩn trương lấy ý kiến nhân dân về Luật Đất đai (sửa đổi)

VTV.vn - Do tính chất của dự thảo luật liên quan mật thiết đến quyền lợi của người dân nên các địa phương đang khẩn trương lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước