Thuế giá trị gia tăng (GTGT) là sắc thuế có số thu lớn nhất trong hệ thống thu ngân sách nhà nước. Hiện Luật Thuế giá trị gia tăng đang tồn tại nhiều điểm không phù hợp với thực tế và đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến sửa đổi để Chính phủ xem xét, trình Quốc hội thông qua, nhằm tháo gỡ các bất cập, chồng chéo để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển.
Nhiều năm nay, giá phân bón trong nước luôn cao hơn giá phân bón nhập khẩu. Nguyên nhân là do phân bón là mặt hàng không chịu thuế GTGT, nhưng nguyên liệu đầu vào thì vẫn phải chịu mức thuế GTGT 10%. Trong khi đó, doanh nghiệp sản xuất trong nước lại không được hoàn lại số thuế này. Vì vậy, hiệp hội phân bón Việt Nam kiến nghị bổ sung phân bón vào nhóm chịu thuế giá trị gia tăng 5% để hoàn thuế đầu vào doanh nghiệp đã nộp trước đó.
"Phân bón là vật tư đầu vào rất quan trọng của sản xuất nông nghiệp, của các sản phẩm nông nghiệp, thậm chí chiếm từ 45-50%. Giảm được điều đó là điều có lợi cho sản xuất nông nghiệp", ông Nguyễn Trí Ngọc - Phó Chủ tịch Hiệp hội phân bón Việt Nam cho biết.
Còn TS. Lê Xuân Trường - Trưởng Khoa Thuế và Hải quan, Học viện Tài chính đánh giá sửa qui định về hoàn thuế, tức là trường hợp đưa 5% mà có thuế đầu vào lớn hơn đầu ra thì thuộc diện được hoàn thuế. Hàng hóa 5% hiện nay theo quy định luật hiện hành là không hoàn, tức là phải sửa cả 2 quy định".
Nhiều doanh nghiệp cho rằng không nên bỏ thuế suất thuế GTGT 0% đối với dịch vụ cung cấp cho khu phi thuế quan, doanh nghiệp chế xuất. Nếu bỏ thì khoản thuế phải nộp sẽ bị tính vào chi phí sản xuất, dẫn đến giá thành hàng xuất khẩu tăng cao sẽ làm giảm sức thu hút đầu tư vào Việt Nam
"Nếu vẫn yêu cầu tất cả các dịch vụ cung cấp cho doanh nghiệp trong khu phi thuế quan mà phải chịu thuế GTGT thì phải cho phép các doanh nghiệp trong khu phi thuế quan được hoàn thuế GTGT đầu vào", ông Bùi Ngọc Tuấn - Phó Tổng Giám đốc dịch vụ tư vấn thuế Deloitte Việt Nam nhận định.
Theo Bộ Tài chính, mục tiêu sửa luật lần này là thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Do vậy, dự thảo Luật sẽ giảm bớt số nhóm hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế GTGT, tăng nhóm chịu thuế suất 10%, giảm nhóm chịu thuế suất 5%.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hằng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý, Giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí, Bộ Tài chính cho biết: "Chuyển 1 số đối tượng chuyển từ chịu thuế 5% sang 10% thì nó có hiệu ứng giảm được tăng giá thành, giảm tính phức tạp cho doanh nghiệp khi vừa cung cấp dịch vụ chịu thuế vừa cung cấp dịch vụ ko chịu thuế trong việc kê khai phân bổ thuế GTGT đầu vào. Dự thảo luật vẫn giữ nguyên 26 nhóm mặt hàng thuộc diện ko chịu thuế và 12 nhóm chịu thuế 5%".
Cộng đồng doanh nghiệp đang hy vọng lần sửa đổi Luật Thuế GTGT này sẽ đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn để tạo động lực cho sản xuất kinh doanh tiếp tục phát triển nhưng vẫn đảm bảo nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!