Sức ép kinh tế từ làn sóng di cư ngược vì COVID-19

Vân Anh (PV Đài THVN thường trú tại Trung Đông)-Thứ ba, ngày 28/04/2020 13:11 GMT+7

VTV.vn - Một làn sóng lao động di cư đang tìm cách trở về quê hương, do thất nghiệp hay nỗi lo sợ ngã bệnh khi xa xứ.

Đáng lo ngại, đa số các quốc gia xuất khẩu lao động lại chính là các quốc gia mà nền kinh tế vốn dĩ đã bấp bênh, Ai Cập là một trong số đó. Nước này hiện có khoảng 10 triệu lao động xuất khẩu, tạo ra 26 tỷ USD kiều hối trong 2019. Tuy nhiên, giới nghị sỹ Ai Cập mới đây cảnh báo không ít tiền kiều hối sẽ tan biến trong năm nay. Sức ép lên thị trường lao động cũng sẽ gia tăng đột biến do nhiều lao động trở về và thất nghiệp.

Trung Đông là một trong những khu vực có số lượng người di cư cao hàng đầu thế giới nhưng cũng là khu vực tiếp nhận rất nhiều lao động nhập cư từ các quốc gia. Điểm đến chủ yếu là các quốc gia giàu dầu mỏ tại Vùng Vịnh.

Thời báo Hindustan của Ấn Độ mới đây có bài viết "Khi Trung Đông đang bước vào một cuộc khủng hoảng kinh tế, Ấn Độ cũng sẽ phải sẵn sàng". Hiện Ấn Độ đang có khoảng 8 triệu lao động làm việc tại các nước Vùng Vịnh. Tuy nhiên giá dầu giảm, nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa vì COVID-19 đang tạo nên tình trang xa thải hàng loạt. Như tại Kerala, một bang của Ấn Độ, có khoảng 1,5 triệu lao động tại Vùng Vịnh. Tới đây, bang này dự kiến sẽ phải đón nhận khoảng 400 nghìn lao động trở về, tức là gần 1/3.

Nền kinh tế vốn đã bị tàn phá bởi đại dịch COVID-19 nay lại phải đón nhận rất nhiều người lao động thất nghiệp trở về, đây rõ ràng là một bài toán khó không chỉ của riêng Ấn Độ hay Ai Cập.

Theo Thời báo Nepal, đại dịch COVID-19 khiến các quốc gia vẫn trông chờ vào các nguồn kiều hối phải xem xét lại chính sách của mình. Xuất khẩu lao động có thể giải quyết được nhanh bài toán chống đói nghèo và thất nghiệp. Nhưng để có một sự phát triển lâu dài, các quốc gia sẽ phải ưu tiên hơn cả việc xây dựng các cơ hội từ nền kinh tế nội tại, cùng lúc đa dạng các thị trường xuất khẩu lao động.

Trào lưu trở về quê hương của các lao động di cư trong đại dịch COVID-19 khiến các quốc gia xuất khẩu lao động lo lắng đã đành. Nhưng các nền kinh tế vốn nhập khẩu lao động được dự báo cũng sẽ phải hứng chịu không ít thiệt hại.

Trang mạng Al Araby nệu một thực tế như tại 6 quốc gia Vùng Vịnh, hiện có khoảng 25 triệu lao động nhập cư, chiếm 70% lực lượng lao động. Một làn sóng rời đi ồ ạt của số lao động này cũng sẽ để lại không ít hệ quả. Dễ thấy nhất là trong các lĩnh vực như bán lẻ, ngân hàng (do người lao động ồ ạt đi rút tiền) hay thị trường căn hộ cho thuê.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước