Chuối của Philippines trong nhiều năm nay đang thống lĩnh thị trường Nhật Bản với trên 80%, nhưng chuối của Ecuador, khu vực Nam Mỹ đang tăng dần sản lượng và chiếm đến 17%. Dứa của khu vực Hawaii đang cạnh tranh rất lớn với sản phẩm dứa từ các nước ASEAN trong chiếm lĩnh thị trường Nhật Bản. Mặt hàng xoài được coi là thế mạnh của các nước như Thái Lan, Việt Nam cũng đang chịu sự cạnh tranh của xoài Mexico và một số nước ở khu vực Nam Mỹ.
Tại các quốc gia khu vực châu Mỹ, nhiều nơi có khí hậu nhiệt đới tương tự như các nước ASEAN nên các sản phẩm nông sản nhiệt đới có nhiều điểm tương đồng và đang cạnh tranh lẫn nhau tại thị trường Nhật Bản. Các nhà nhập khẩu Nhật Bản rất năng động nhằm đa dạng hóa nguồn cung từ nhiều nước, môi trường cạnh tranh giúp các nhà nhập khẩu Nhật Bản tìm được mặt hàng chất lượng tốt nhất, rẻ nhất.
Theo số liệu của Bộ Công Thương Việt Nam, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng rau quả năm 2018 của Việt Nam sang Nhật Bản đạt trên 105 triệu USD, chủ yếu các nông sản đông lạnh. Theo một doanh nghiệp xuất khẩu nông sản lớn của Việt Nam, mỗi năm doanh nghiệp này xuất khẩu tổng cộng khoảng 5.000 - 7.000 tấn nông sản đông lạnh sang thị trường Nhật Bản, trong đó riêng quả vải đông lạnh khoảng 3.000 tấn.
Tại Thị trường Nhật Bản, luật Vệ sinh an toàn thực phẩm được kiểm soát khá nghiêm ngặt, thực tế trong năm 2018 đã có một số lô hàng của Việt Nam hay các nước Asean vi phạm do không đảm bảo vệ sinh hay có dư lượng chất bảo vệ thực phẩm. Ngay lập tức, phía Nhật Bản áp dụng kiểm tra tăng cường đối với loại mặt hàng bị vi phạm này từ nước xuất xứ, do vậy làm tăng chi phí đối với doanh nghiệp.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!