Tác động tăng giá tiêu dùng cuối năm

Đặng Tú (Ban Thời sự)-Thứ bảy, ngày 13/10/2018 22:06 GMT+7

VTV.vn - Không chỉ biến động tỷ giá, hàng loạt yếu tố khác như giá nhiên liệu, thực phẩm, cuộc chiến thương mại giữa các quốc gia cũng sẽ tạo sức ép rất lớn cho chỉ số CPI.

Diễn biến chỉ số CPI 9 tháng đầu năm

Nếu như năm 2017, chỉ số giá tiêu dùng bình quân có những giai đoạn trồi sụt và thậm chí có giai đoạn ở mức âm, thì 9 tháng đầu năm 2018, chỉ số này luôn tăng dần, đạt ngưỡng 3,57% so với bình quân cùng kỳ năm 2017. Không ít người lo ngại về CPI cũng như lạm phát trong những tháng cuối năm sẽ tiếp tục tăng phi mã bởi hàng loạt những mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, thực phẩm đã tăng mạnh. Các chính sách điều chỉnh giá dịch vụ y tế hay giáo dục và tăng lương cơ bản cũng sẽ tác động đến chỉ số này.

Bên cạnh đó, trong tháng 9 và 9 tháng đầu năm nay, lạm phát chung có mức tăng cao hơn lạm phát cơ bản. Điều này phản ánh biến động giá do yếu tố thị trường có mức tăng cao đó là giá thực phẩm tươi sống, giá xăng dầu.

Tuy nhiên, tình hình sản xuất kinh doanh tiếp tục diễn biến tích cực. Vì vậy, theo các nhà phân tích, mục tiêu kiểm soát giá cả ở mức dưới 4% vẫn có thể đạt được nếu các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường giá cả.

Trong 9 tháng qua, mức tăng chỉ số giá cả bình quân CPI tháng sau đều tăng 0,35% so với tháng trước. Chỉ số này tăng dần từ mức 2,65% trong tháng 1 lên mức 3,57% trong tháng 9, đặc biệt tăng nhanh ở tháng 6 và tháng 7 lần lượt là 4,67% và 4,46% so cùng kỳ năm 2017.

CPI bình quân 9 tháng cũng tăng 3,57% so với bình quân cùng kỳ năm 2017. Căn cứ diễn biến CPI 9 tháng, các nhà phân tích cho rằng để có thể hoàn thành mục tiêu kiểm soát lạm phát bình quân ở mức 4% như Quốc hội giao, chỉ số giá tiêu dùng 3 tháng cuối năm cần được kiểm soát ở mức tăng tối đa 0,7% bình quân mỗi tháng so với tháng trước.

Áp lực tỷ giá cuối năm

Dù chịu nhiều tác động cả bên trong và bên ngoài nhưng về cơ bản tỷ giá vẫn được duy trì ổn định, tạo điều kiện nhất định cho kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Dù tiếp tục được dự báo là sẽ duy trì sự ổn định nhưng đang có không ít yếu tố tác động làm gia tăng áp lực lên tỷ giá. Với một nước có truyền thống nhập siêu như Việt Nam chỉ cần tỷ giá nhích nhẹ sẽ làm cho giá cả nhiều mặt hàng tăng theo. Vì vậy, cách thức điều hành tỷ giá lúc này vốn đã linh hoạt nay càng phải khéo léo linh hoạt để thích ứng hơn.

Từ đầu năm đến nay, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã 3 lần tăng lãi suất. Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung khiến đồng nội tệ của nhiều nước trên thế giới phải điều chỉnh rất mạnh. Có quốc gia phải giảm giá đồng nội tệ của mình tới gần 20% nhưng tỷ giá giữa VND và USD vẫn được đánh giá là khá ổn định.

Dù có nhiều sức ép nhưng sự điều chỉnh của tỷ giá là không lớn và chính điều này đã kìm hãm được đà tăng của giá cả. Với sự điều hành linh hoạt cùng nguồn dự trữ ngoại hối tích lũy thời gian qua sẽ bảo đảm nguồn lực cần thiết cho cơ quan quản lý chủ động trong việc điều hành chính sách linh hoạt, ổn định tỷ giá khi cần thiết.

Tác động tăng giá tiêu dùng cuối năm

Không chỉ biến động tỷ giá, hàng loạt yếu tố khác như giá nhiên liệu, thực phẩm và cuộc chiến thương mại giữa các quốc gia trên thế giới cũng sẽ tạo ra những sức ép rất lớn cho chỉ số giá tiêu dùng. Đặc biệt, từ nay đến cuối năm, nhu cầu tích trữ nguyên vật liệu cho sản xuất và nhu cầu mua sắm cuối năm cũng sẽ tác động đến CPI.

Sức ép rất lớn nhưng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định: Chính phủ sẽ quyết tâm đạt được mục tiêu giữ chỉ số giá tiêu dùng tăng dưới 4%. Hàng loạt biện pháp đã được Chính phủ đưa ra như yêu cầu không được tăng giá điện trong năm nay, giá dịch vụ y tế và giáo dục chỉ được điều chỉnh nếu có điều kiện phù hợp, đi cùng với điều tiết lượng cung tiền... để không tạo sức ép lên chỉ số giá tiêu dùng. Tuy nhiên, vẫn còn những tác động khó lường từ bên ngoài như việc căng thẳng về giá dầu thế giới cũng sẽ tạo áp lực lớn cho chỉ số giá tiêu dùng.

Sau nhiều lần điều chỉnh tăng trong 3 quý đầu năm, kỳ điều chỉnh giá xăng dầu mới nhất với mức tăng khá lớn làm dấy lên lo ngại giá cả thị trường và chi phí sản xuất sẽ tăng lên, ảnh hưởng đến mục tiêu kiểm soát lạm phát từ nay tới cuối năm. Trong kỳ điều chỉnh giá xăng dầu ngày 6/10, giá xăng đã tăng gần 700 đồng/lít và khả năng đây không phải là lần điều chỉnh cuối cùng trong năm.

Tuy thách thức lạm phát gia tăng chưa thực sự hiện hữu nhưng với xu hướng giá xăng dầu thế giới ở mức cao và diễn biến phức tạp từ nay tới cuối năm, nguy cơ tác động tới CPI làm tăng lạm phát là hoàn toàn có khả năng.

Các yếu tố chủ yếu tác động đến mặt bằng giá trong 3 tháng cuối năm là giá thực phẩm vẫn có thể tiếp tục tăng nhưng mức tăng có thể sẽ không lớn như những tháng vừa qua. Tuy nhiên, giá dịch vụ giáo dục tiếp tục tăng trong tháng 9 và giá các mặt hàng vật liệu xây dựng thường có xu hướng tăng vào mùa xây dựng cuối năm sẽ góp phần làm tăng CPI những tháng tới. Vì vậy, bên cạnh yếu tố thị trường, Chính phủ cũng rất thận trọng trong công tác điều hành.

Bộ Tài chính cũng cho rằng, công tác quản lý, điều hành giá vẫn cần hết sức thận trọng trước các diễn biến quốc tế như căng thẳng trong chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc và tình hình thị trường tài chính - tiền tệ thế giới. Đặc biệt, một yếu tố lâu nay khó có thể thống kê được nhưng lại tác động rất lớn đến chỉ số CPI đó là tác động từ tâm lý người dân và thiên tai. Theo trung tâm khí tượng thủy văn, từ nay đến cuối năm vẫn có khả năng xuất hiện 4 cơn bão đổ bộ Việt Nam và cũng tác động không nhỏ đến chỉ số giá tiêu dùng.

Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, quy luật hàng năm, mặt bằng chỉ số giá các tháng cuối năm trong những năm gần đây cơ bản nằm trong tầm kiểm soát. Do đó, việc thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát trong năm 2018 vẫn hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát của Chính phủ dự báo CPI cả năm 2018 tăng trong khoảng 3,73 - 3,95%.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước