Chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, xây dựng các chuỗi liên kết, chuỗi giá trị được xem là bước đi đúng để nâng cao giá trị đầu ra cho nông sản. Bằng chứng là GDP khu vực ĐBSCL cũng đã đạt mức tăng đến 7,8% - cao nhất trong 4 năm trở lại đây. Hiện nhiều địa phương đã thay đổi tư duy, chuyển đổi mô hình sản xuất thích ứng tự nhiên, tuy nhiên, phần lớn vẫn còn mang tính tự phát, nhỏ lẻ.
Mối liên kết doanh nghiệp nông dân được xem là giải pháp cốt lõi để giải quyết những khó khăn này, có nghĩa là phải xây dựng được chuỗi giá trị cho sản phẩm nông nghiệp. Theo các chuyên gia, chuỗi giá trị là quy trình từ vùng nuôi, nông dân, đến doanh nghiệp và đầu ra. Trong chuỗi này, càng cắt được nhiều khâu trung gian thì càng có giá trị cao, Ở ĐBSCL, có nhiều chuỗi giá trị lúa gạo, cá tra, tôm đã được hình thành nhưng còn rất thiếu, chỉ ở một vài địa phương, ở một vài doanh nghiệp.
Do vậy, theo các chuyên gia, để tái cơ cấu nông nghiệp trong đó tập trung phát triển chuỗi giá trị thì Chính phủ phải đưa ra nhiều giải pháp. Quan trọng nhất hiện nay là quy hoạch vùng sản xuất, phải hoạch định những khu vực tập trung trồng, hay nuôi con gì. Ngoài vai trò định hướng cho doanh nghiệp, người nông dân, Nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ về tín dụng để khuyến khích các mô hình sản xuất. Có như vậy, sự hình thành các chuỗi giá trị mới thực sự mang lại hiệu quả bền vững cho cả vùng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!