Đêm 20/4 giờ Việt Nam, lần đầu tiên trong lịch sử, dầu thô WTI đã chốt phiên ở mức chưa bao giờ xảy ra là -37,63 USD/ thùng, mức giá phá vỡ mọi tiền lệ và dự đoán về loại vàng đen này.
Từ trước tới nay, dầu Brent và dầu WTI luôn song hành về mức giá nhưng trong phiên giao dịch đầu tuần, dầu WTI lại có sự mất giả đột biến mạnh so với dầu Brent.
Thế giới có hơn 160 loại dầu khác nhau nhưng đang lấy dầu Brent và WTI làm tiêu chuẩn giao dịch. Dầu Brent, được khai thác từ Biển Bắc châu Âu, chủ yếu để tinh chế dầu diesel, xăng và nhiên liệu chưng cất. Loại này được giao dịch trên sàn liên lục địa London. Còn WTI là dầu được khai thác tại Mỹ. Loại này thường được dùng để tinh chế xăng và giao dịch ở sàn Hàng hóa New York.
Vì thế, nhìn biểu giá khoảng 10 năm trở lại đây, dầu Brent thường có mức giá cao hơn một chút so với WTI. Tuy nhiên, sự sụt giá đột biến lại thể hiện 2 lý do chính và liên quan trực tiếp tới nước Mỹ.
Thứ nhất, là các nhà đầu tư đang nhìn thấy nhu cầu tiêu thụ xăng của thị trường Mỹ sẽ giảm sâu trong tháng 5 tới. Hầu hết các bang tiếp tục đóng cửa, hạn chế đi lại. Vì thế, họ không mặn mà mua nữa, dù giá có thấp đến đâu.
Thứ 2, nhu cầu tiêu thụ giảm mấy tháng gần đây khiến lượng dầu tồn kho quá lớn. Các nhà sản xuất dự kiến sẽ hết kho chứa dầu cho tháng 5. Vì thế, họ đang phải bán tống bán tháo dù thực chất bán ở đây là cho tiền người mua để họ mang dầu đi hộ.
Đã được cho không dầu, lại còn được cho thêm 37 USD cho mỗi thùng. Có ý kiến cho rằng, tại sao không mua vào vì nhìn mức giá dầu WTI giao tháng 6, tháng 7 có sự hồi phục hơn so với tháng 5?
Đúng là nhìn vào biểu đồ, mức giá của các tháng 6, 7 đều có sự hồi phục nhẹ. Ví dụ, trong hợp đồng tháng 6, dầu WTI có giá -18USD/ thùng. Điều này thể hiện đánh giá của các nhà đầu tư rằng dịch bệnh có thể có tiến triển tốt sau tháng 5.
Tuy nhiên việc mua vào, không đơn giản như vậy. Hãy tưởng tượng, ngân hàng cho vay 1 tỷ đồng, mỗi ngày họ biếu người vay thêm 10.000 đồng. Thế nhưng, với tình cảnh kinh tế ảm đạm hiện nay, người vay không biết đầu tư 1 tỷ ấy vào đâu để sinh lợi trong khi họ phải tìm chỗ cất giữ cho an toàn và lúc nào cũng có tâm lý sợ bị mất hoặc bị cướp.
Khi đó, cậu hỏi đặt ra là liệu 10.000 đồng hay 37 USD có thực sự đáng không? Câu trả lời phụ thuộc vào diễn biến dịch COVID-19. Nếu dịch được kiểm soát sớm, mua vào là có lợi. Nhưng nếu nó vẫn kéo dài, nhu cầu tiêu thụ vẫn giảm, số tiền 37 USD kia chưa chắc đã đủ bù lỗ cho việc phải thuê chỗ chứa dầu mỗi ngày.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!