Trong một nghiên cứu mới được đưa ra, Vương quốc Anh vừa tụt 6 hạng xuống vị trí thứ 57 trong danh sách các quốc gia yên bình nhất thế giới. Nguyên nhân chính là do các vụ tấn công khủng bố, kèm theo các tranh cãi chính trị với Nga. Du lịch, tiêu dùng, thương mại hay đầu tư, cũng vì vậy không thể tránh khỏi bị ảnh hưởng.
Trang tin tức của kênh truyền hình iTV cho đăng tải một bài viết nhan đề "Nạn khủng bố gây tốn kém hàng tỷ Bảng cho kinh tế Anh". Báo này trích dẫn một thống kê mới được công bố từ Viện nghiên cứu RAND tại châu Âu, về tác động của các vụ tấn công khủng bố tới GDP của 10 quốc gia EU trong giai đoạn 2004 - 2016. Đứng đầu danh sách là Vương quốc Anh với thiệt hại lên tới hơn 38 tỷ Bảng. Theo sát sau đó là Pháp và Tây Ban Nha với con số thâm hụt kinh tế gần như tương đương, các nước ít chịu ảnh hưởng nhất là Thụy Điển, Italy và Hà Lan.
Tính trên toàn lãnh thổ châu Âu, thiệt hại kinh tế do khủng bố lên tới con số 158 tỷ Bảng. Ngoài ra, các khoản chi phí cho thiệt hại về người, tài sản, dịch vụ y tế từ hậu quả của khủng bố được thống kê vào khoảng 4.9 tỷ Bảng.
Tính riêng trong năm 2017, các vụ khủng bố lớn diễn ra tại Anh, như vụ đánh bom thành phố Manchester, hay tấn công bằng dao gần trụ sở tòa nhà quốc hội tại Thủ đô London cũng ước tính đã làm bay hơi 3,1 tỷ Bảng.
Tờ Độc Lập - The Independent cho đăng tải ý kiến đại diện tổ chức nghiên cứu RAND, các cuộc tấn công khủng bố có thể gây tác động không tốt tới tâm lý của người dân và cả giới doanh nghiệp, gây ra sự thiếu chắc chắn trong các quyết định liên quan đến tài chính. Một số người sẽ có xu hướng chi tiêu nhiều cho hiện tại do lo ngại cho an toàn cá nhân và gia đình, dẫn tới bớt quan tâm tích lũy cho tương lai. Nhiều công ty cũng có khả năng rụt rè hơn trong việc bơm tiền đầu tư vào các quốc gia đã và đang hứng chịu khủng bố. Các kênh mạng xã hội và phương tiện truyền thông cũng vô tình gây hiệu ứng tâm lý lan rộng, góp phần ảnh hưởng sâu sắc hơn đến nền kinh tế.
Mới đây, Bộ trưởng Bộ Nội vụ vừa nhậm chức của Anh - ông Sajid Javid - đã tuyên bố chiến lược chống khủng bố mới mang tên viết tắt CONTEST, đồng thời bơm thêm 50 triệu Bảng vào quỹ 2 tỷ Bảng mỗi năm dành riêng cho các hoạt động phòng chống khủng bố. Nhiều ý kiến hoan nghênh quyết định này và cho rằng phòng hơn chống, để tránh các tác động tiêu cực nặng nề hơn cho kinh tế nếu khủng bố xảy ra.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!