Việt Nam là quốc gia duy nhất ký kết Hiệp định thương mại tự do và tham gia các cơ chế hợp tác đa phương với các đối tác kinh tế lớn như: Trung Quốc, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản, Anh, Nga... Điều này góp phần tạo vị thế thương mại cho hàng hóa Việt Nam, thúc đẩy xuất khẩu.
Các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đặc biệt có ý nghĩa khi kinh tế thế giới đang có nhiều biến động ảnh hưởng sâu rộng đến dòng chảy thương mại toàn cầu như hiện nay.
30 sản phẩm rau, củ, quả chế biến của Công ty Cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao xuất sang các thị trường lớn có FTA như: EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia…, đồng nghĩa với việc tất cả đều phải đăng ký chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) để hưởng ưu đãi thuế 0%, chiếm lợi thế cạnh tranh. Nhờ vậy, kim ngạch xuất khẩu 6 tháng qua đã tăng 140% so với cùng kỳ.
Chế biến chanh leo xuất khẩu. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
"Đối với doanh nghiệp xuất khẩu chính ngạch 100% như chúng tôi thì có CO là điều bắt buộc. Thực tế, CO đem lại rất nhiều lợi ích, giúp chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Khi chúng ta xuất khẩu theo chính ngạch mà có CO thì chúng ta mới làm lớn được", ông Đinh Gia Nghĩa, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, cho biết.
Nếu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu sử dụng các loại C/O đạt gần 80 tỷ USD, chiếm hơn 33% tổng kim ngạch xuất khẩu, thì 5 tháng đầu năm nay con số này đạt trên 44,5% cho thấy năng lực tận dụng ưu đãi của doanh nghiệp Việt Nam gia tăng. Thực tế, xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường có FTA như EVFTA, CPTPP, UKVFTA… mới chiếm khoảng 2% tổng kim ngạch nhập khẩu của các thị trường này, nên còn nhiều dư địa để các doanh nghiệp khai thác.
"Thông qua việc tận dụng các ưu đãi của hiệp định bằng việc đáp ứng quy định về xuất xứ và để đáp ứng được, chúng ta phải thay đổi về chuỗi cung ứng, cơ cấu, công nghệ, nguồn nguyên liệu. Bản chất của C/O giúp chúng ta chuyển dịch thay đổi về đầu tư, dòng chảy của hàng hóa", ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, nhận định.
"Thương vụ Việt Nam đã giới thiệu cho các doanh nghiệp Việt Nam những đơn vị có chức năng thẩm định đánh giá, cập chứng nhận Halal. Đây là một giấy thông hành để đảm bảo cho các doanh nghiệp Việt xuất khẩu nhiều hơn nữa vào UAE trong thời gian tới", ông Trương Xuân Trung, Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất, thông tin.
Đến nay, hơn 60 thị trường đã ký Hiệp định thương mại tự do với Việt Nam, chiếm khoảng 2/3 kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Như vậy, đây sẽ là đòn bẩy cần phải tận dụng hiệu quả để phấn đấu cho mục tiêu xuất khẩu 394 tỷ USD từ nay đến cuối năm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!