Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 6 tháng mang về gần 25 tỷ USD

Hà Mai-Thứ sáu, ngày 30/06/2023 12:00 GMT+7

VTV.vn - Trong 6 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 24,6 tỷ USD, giảm 11% so với cùng kỳ năm 2022.

Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trong 6 tháng đầu năm đạt 24,6 tỷ USD, giảm 11% so với cùng kỳ năm 2022. Thặng dư thương mại đạt 4,63 tỷ USD.

Trong đó, nhóm nông sản chính đạt 12,8 tỷ USD, tăng 12%; sản phẩm chăn nuôi 232 triệu USD, tăng hơn 26%. Thủy sản đạt hơn 4,1 tỷ USD, giảm hơn 27%; lâm sản chính đạt 6,5 tỷ USD, giảm 28%.

7 sản phẩm, nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD, bao gồm: cà phê, cao su, gạo, rau quả, hạt điều, tôm và sản phẩm gỗ. Đáng chú ý, gạo và hạt điều là 2 sản phẩm tăng cả khối lượng và giá trị xuất khẩu.

Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 6 tháng mang về gần 25 tỷ USD - Ảnh 1.

Dây chuyền chế biến, đóng gói gạo thành phẩm tại một nhà máy. (Ảnh: TTXVN)

Về thị trường, Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản tiếp tục là 3 thị trường xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản lớn nhất của Việt Nam; giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 21,4%, tăng 7,7%; tiếp theo là Hoa Kỳ với hơn 20% và thứ 3 là Nhật Bản chiếm 7,7%.

Nhiều mặt hàng nông sản tăng trưởng xuất khẩu

Lần đầu tiên, xuất khẩu rau quả đạt kim ngạch kỷ lục hơn 1 tỷ USD trong tháng 6, tăng 2,7 lần so với cùng kỳ. Đáng chú ý, trong 6 tháng đầu năm, sầu riêng có kết quả xuất khẩu tăng gấp 18 lần so với cùng kỳ năm 2022. Các mặt hàng khác như thanh long, chuối cũng tăng trưởng tốt, kỳ vọng đạt kim ngạch tỷ USD trong năm nay.

"Trung Quốc là thị trường đóng góp trên 50% kim ngạch xuất khẩu rau quả của nước ta. Chúng ta có thể có sầu riêng trái vụ, giá cả cao hơn, sẽ đóng góp thêm cho kim ngạch xuất khẩu rau quả tăng cao hơn", ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho biết.

Gạo là mặt hàng có tốc độ tăng trưởng ấn tượng, khi mang về 2,3 tỷ USD trong 6 tháng, tăng gần 35% về giá trị so với cùng kỳ. Hiện giá nhiều loại gạo của Việt Nam vẫn duy trì mức cao hơn Thái Lan, Ấn Độ từ 10 - 50 USD/ tấn.

Việc đầu tư chế biến trên 80% dòng gạo thơm, chất lượng cao để xuất khẩu vào các thị trường khó tính đã và đang giúp hạt gạo Việt có sức cạnh tranh tốt hơn.

Trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ đàm phán đưa nhiều mặt hàng nông sản tiềm năng sang các thị trường quen thuộc như: dừa tươi sang Hoa Kỳ, xoài và thanh long sang Nhật Bản…; đồng thời, trao đổi với Tổng cục Hải quan Trung Quốc để tháo gỡ vướng mắc trong xuất khẩu và phối hợp với đoàn thanh tra của EU đánh giá hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm đối với thủy sản Việt Nam.

Đảm bảo mục tiêu xuất khẩu 54 tỷ USD

Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 6 tháng đầu năm dù không được như năm 2022 nhưng cũng đã có khởi sắc, cho thấy tín hiệu hồi phục tích cực từ các thị trường. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan tìm mọi cách để vượt khó, đảm bảo mục tiêu xuất khẩu 54 tỷ USD của năm nay.

Thủy sản và nhóm đồ gỗ là 2 nhóm hàng gặp khó khăn trong xuất khẩu 6 tháng đầu năm, khi sức mua tại các thị trường chính như Hoa Kỳ hay EU suy giảm. Nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn đã được Chính phủ và các bộ ngành triển khai. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng đang nỗ lực tập trung chế biến sâu, tiết giảm chi phí sản xuất để giữ đơn hàng và các thị trường chủ lực.

Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 6 tháng mang về gần 25 tỷ USD - Ảnh 2.

Dây chuyền sơ chế, chế biến vải thiều xuất khẩu. (Ảnh: TTXVN)

"Thị trường và thị hiếu tiêu dùng luôn biến động. Sản xuất vừa đảm bảo chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm, nhưng cũng phải phù hợp với yêu cầu thị trường. Đấy là định hướng ngành nông nghiệp", ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhận định.

Xuất khẩu nông sản được dự báo tiếp tục đà tăng trưởng cao trong những tháng tới do nhu cầu nhập khẩu của các quốc gia trên thế giới đều tăng. Đặc biệt, hoạt động xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ có nhiều thuận lợi nhờ các Nghị định thư đã ký với nước này, nếu các nhà xuất khẩu đáp ứng tốt yêu cầu thị trường theo hướng thực hành sản xuất tốt.

"Làm sao trong 6 tháng còn lại cố gắng và tranh thủ các cơ hội, xử lý các khó khăn, các vấn đề kỹ thuật để tiếp tục đẩy mạnh các nhóm hàng đang bị thâm hụt. Chúng tôi sẽ phối hợp với Bộ Công Thương và các địa phương liên kết chặt chẽ từ sản xuất đến khâu thị trường", ông Hoàng Trung, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thông tin.

Với những tín hiệu tích cực từ các thị trường xuất khẩu, vấn đề đặt ra cho các ngành hàng và doanh nghiệp là cần chủ động về thông tin, thúc đẩy sản xuất, tận dụng cơ hội để phục hồi xuất khẩu. Mục tiêu hướng tới cho xuất khẩu nông, lâm, thủy sản cả năm 2023 đạt 54 tỷ USD.

Xuất khẩu tôm chịu nhiều thách thức Xuất khẩu tôm chịu nhiều thách thức

VTV.vn - Xuất khẩu tôm giảm sút liên tiếp kéo dài từ tháng 8/2022 tới nay. Sức cạnh tranh yếu của tôm đang trở thành thách thức trong năm nay.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước