Chỉ còn 2 tháng nữa là kết thúc năm, nhiều giải pháp đang được các chuyên gia và cơ quan quản lý đề xuất để nhanh chóng phục hồi ngành "công nghiệp không khói", trong đó, tăng cường hợp tác công tư và chuyển đổi số được xem là những chiếc chìa khoá để mở cánh cửa du lịch quốc tế.
Trong tổng số hơn 1,8 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam trong 9 tháng năm nay, trên 88% là di chuyển bằng đường hàng không. Việt Nam cũng đứng vị trí số 1 trong 25 quốc gia có thị trường hàng không nội địa phục hồi nhanh nhất thế giới sau đại dịch.
Theo các chuyên gia, tiềm năng phát triển lớn của ngành hàng không và sự linh hoạt trong quy hoạch các sân bay nhỏ sẽ góp phần gia tăng tính kết nối và phát triển du lịch, trong đó, có thể tính đến phương án hợp tác công tư (PPP).
Ông Nguyễn Văn Vịnh, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhận định: "Có thể phối hợp theo mô hình PPP hoặc các nhà đầu tư tư nhân với điều kiện các quy định pháp lý, tổ chức khai thác vận hành sân bay phải được minh bạch rõ ràng và cần có các quy định đảm bảo các yếu tố liên quan đến an toàn bay, an ninh quốc phòng… vậy thì nhà đầu tư là người quyết định xem xem sân bay đấy đầu tư lúc nào, bao giờ và khai thác nó như thế nào đảm bảo tính hiệu quả".
Tăng cường hợp tác công tư cũng là giải pháp được ngành du lịch nhấn mạnh tại Diễn đàn Du lịch Mê Công năm 2022 diễn ra tại Quảng Nam mới đây. Đây là một trong năm kiến nghị được Việt Nam đưa ra để kêu gọi 6 nước tiểu vùng Mê Công cùng hợp tác phục hồi du lịch. Nếu như nguồn lực từ các nhà đầu tư khu vực nhà nước dành cho cơ sở hạ tầng du lịch và chương trình đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch thì khối tư nhân sẽ cung cấp nguồn lực cho các sản phẩm, dịch vụ du lịch, cơ sở lưu trú và vận chuyển.
Ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, cho biết: "Cần tăng cường hợp tác công tư giữa các tổ chức Nhà nước và các DN tư nhân để làm sao kết nối lại và có giải pháp phù hợp, không chỉ trong nước mà toàn bộ 6 quốc gia trong khu vực".
Ngoài hợp tác công tư, chuyển đổi số cũng được xem là chiếc chìa khoá mở cánh cửa du lịch quốc tế sau đại dịch. Khảo sát của Tập đoàn Indochina Capital và Wink Hotels cho thấy, 64% khách du lịch có xu hướng sử dụng các kênh online, các đại lý du lịch trực tuyến (OTA) để đặt phòng và 91% quan tâm tới quảng cáo online, digital từ các khách sạn.
Anh Lê Hoàng Vũ, CEO Khách sạn Renaissance Reverside TP. Hồ Chí Minh, nói: "Khách hàng nước ngoài bắt đầu quay lại là động lực tốt để các doanh nghiệp đầu tư tập trung hơn cho vấn đề này. Không đầu tư cho công nghệ thời điểm này thì sớm muộn cũng sẽ lạc hậu và sẽ mất đi tính cạnh tranh".
Bà Liz Ortiguera, Giám đốc điều hành Hiệp hội Du lịch châu Á-Thái Bình Dương, cho biết: "Cần sớm áp dụng chuyển đổi số trong giao dịch với khách hàng, đặc biệt ở các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Đẩy mạnh tiếp thị số, tiếp thị du lịch trên các kênh media để có thể mở rộng thị trường. Du lịch muốn phát triển bền vững không thể tách khỏi quá trình số hóa".
Báo cáo mới nhất của Công ty Chứng khoán VNDIRECT dự báo, sản lượng khách quốc tế có thể phục hồi về mức 84% trong quý 2 năm sau và hồi phục hoàn toàn trong quý 4 sau đó giúp tổng sản lượng khách quốc tế tăng 195% so với cùng kỳ năm nay.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!