Trong thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp quản lý thị trường vàng vừa ban hành, Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu: can thiệp xử lý "ngay" và "luôn" tình trạng giá vàng miếng trong nước và giá vàng quốc tế chênh lệch ở mức cao. Đảm bảo thị trường vàng hoạt động "an toàn, ổn định, lành mạnh, công khai, minh bạch, hiệu quả". Đặt lợi ích chung của quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết.
Ghi nhận hôm nay, chênh lệch giữa giá mua và bán vẫn được doanh nghiệp duy trì ở mốc trên 2 triệu đồng/lượng. Mức chênh lệch cao này có thể khiến nhà đầu tư ngắn hạn đối diện nguy cơ rủi ro.
Ngoài ra, mức chênh lệch trong nước và thế giới vẫn còn khá lớn khi vàng nhẫn trong nước cao hơn từ 5,5-6,5 triệu đồng mỗi lượng, còn vàng miếng chênh quanh ngưỡng 13 triệu đồng. Chính vì vậy, yêu cầu của Thủ tướng về việc xử lý "ngay" và "luôn" tình trạng chênh lệch giá quá lớn giữa vàng miếng trong nước và vàng quốc tế được các chuyên gia cho là đặc biệt cấp thiết.
Ông Hoàng Văn Cường - Thành viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cho biết: "Các hoạt động kinh tế khác đang vận hành trôi chảy, thị trường vàng biến động bất thường sẽ tạo ra xáo trộn. Đây là một khâu cần xử lý ngay và kịp thời, chính vì vậy Thủ tướng dùng từ "ngay" và "luôn" tôi cho rằng rất phù hợp".
Thủ tướng cũng đã đặt ra yêu cầu rất cụ thể về việc cương quyết phải có hóa đơn điện tử trong việc thực hiện các giao dịch mua, bán vàng để nâng cao tính minh bạch, hiệu quả giám sát, điều hành. Và thu hồi ngay giấy phép hoạt động đối với doanh nghiệp không thực hiện nghiêm quy định của pháp luật.
"Chúng tôi rất hoan nghênh việc làm minh bạch hóa thị trường, việc này đã được Bảo tín Mạnh Hải thực hiện thời gian vừa qua", ông Nguyễn Đức Anh - Phó Tổng Giám đốc Công ty Bảo Tín Mạnh Hải thông tin.
GS. Trần Thọ Đạt - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng: "Nếu việc sửa đổi Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng cần thời gian theo quy định của pháp luật thì Ngân hàng Nhà nước cũng cần có ngay các thông điệp rõ ràng, thể hiện quan điểm và các giải pháp sẽ thực hiện để chấm dứt tình trạng chênh lệch vàng miếng hiện đang rất cao, bảo đảm hoạt động giao dịch trên thị trường được quản lý, kiểm soát chặt chẽ bằng các công cụ đã có".
Thủ tướng cũng yêu cầu thực hiện nghiêm công tác nắm tình hình, thanh tra, kiểm tra, giám sát trên thị trường vàng. Đặc biệt là các hành vi - vi phạm pháp luật, như buôn lậu vàng, găm hàng - đẩy giá.
Ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường cho biết: "Chúng tôi tiếp tục chỉ đạo đội quản lý thị trường cũng như các cục quản lý thị trường tại địa phương thực hiện quyết liệt hơn nữa trong việc kiểm tra, giám sát đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh mặt hàng vàng vi phạm về nguồn gốc xuất xứ cũng như về chất lượng hoặc đầu cơ găm hàng tăng giá bất hợp lý để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật".
Trong thông báo kết luận, Thủ tướng đã một lần nữa nêu rất rõ trách nhiệm cụ thể của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc nghiên cứu, rà soát, đánh giá kỹ tác động, tổng kết việc thực hiện Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng để đề xuất sửa đổi, bổ sung. Đảm bảo bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ trong việc quản lý thị trường vàng cho phù hợp với tình hình thực tiễn và diễn biến kinh tế trong nước, khu vực, quốc tế.
Ngay sau thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Thanh Hà cho biết Ngân hàng Nhà nước sẽ triển khai ngay các giải pháp sau: Thứ nhất, đối với thị trường vàng miếng, sẽ thực hiện tăng cung để xử lý tình trạng chênh lệch cao giữa giá trong nước so với giá thế giới.
Đối với thị trường vàng trang sức mỹ nghệ, tiếp tục tạo điều kiện tối đa nhằm đảm bảo đủ nguyên liệu cho các hoạt động sản xuất để xuất khẩu vàng trang sức mỹ nghệ.
Ngoài ra sẽ phối hợp với các Bộ, ngành, các cơ quan chức năng liên quan để yêu cầu các doanh nghiệp triển khai sử dụng hóa đơn điện tử trong các giao dịch mua bán vàng nhằm nâng cao tính minh bạch và hiệu quả quản lý.
Thực hiện ngay công tác nắm tình hình, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát theo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao. Xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu vàng qua biên giới, các hành vi trục lợi, đầu cơ, thao túng giá vàng. Về hoạt động thanh tra, Ngân hàng Nhà nước và các Bộ, ngành đã thành lập xong đoàn thanh tra và sẽ triển khai ngay trong tháng 4 này.
Đối với Nghị định 24, Ngân hàng Nhà nước đã có báo cáo tổng kết, đánh giá quá trình thực hiện Nghị định 24 và cũng đã đề xuất một số phương hướng chỉnh sửa bổ xung đối với Nghị định 24 triển khai trong thời gian tới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!