Từ ngày 5/12, Grab đã tăng mức chiết khấu với mỗi lái xe phải trả cho Grab trên từng chuyến xe. Cụ thể, với dịch vụ Grabbike, trước đây, các lái xe phải cắt lại cho Grab là 20% doanh thu trên mỗi chuyến xe, thế nhưng từ ngày 5/12, mức chiết khấu này đã tăng lên hơn 27%. Mức chiết khấu này gần bằng 1/3 doanh thu một cuốc xe.
"Cày tối mặt" để nuôi Grab?
Trong lúc kinh tế khó khăn vì dịch bệnh, các lái xe cảm thấy lo lắng cũng là dễ hiểu, nhất là khi không ít lái xe còn vay mượn để mua xe đi chạy Grab. Đồng cảm với các lái xe, tờ Đại đoàn kết có bài viết: "Cày tối mặt để nuôi Grab".
Tờ báo ghi nhận phần lớn các lái xe đều cho rằng mức chiết khấu mới là quá cao và lo lắng thu nhập sẽ bị giảm đi, nhất là trong lúc kinh tế khó khăn vì dịch bệnh.
Grab tăng giá, tăng chiết khấu khiến nhiều tài xế bức xúc.
Tuy nhiên tờ báo cũng cảnh báo rằng, nếu các lái xe không đồng ý với chính sách mới của doanh nghiệp thì có quyền thể hiện thái độ và nêu ý kiến của mình. Còn nếu các lái xe quá khích tập trung đông người hò hét, đập phá, gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội hoặc gây ách tắc giao thông thì lại là hành vi gây rối trật tự công cộng và sẽ bị xử lý.
Được biết, mức chiết khấu mà mỗi lái xe phải cắt lại cho Grab bao gồm: phí sử dụng dịch vụ, thuế thu nhập cá nhân nếu có và thuế giá trị gia tăng VAT. Trong đó, thuế giá trị gia tăng mỗi lái xe phải nộp đã được Grab tăng từ 3% lên 10%.
Động thái này được Grab lý giải là để thực hiện Nghị định 126 có hiệu lực từ ngày 5/12 vừa qua đã thay đổi cách tính VAT với dịch vụ gọi xe công nghệ. Cụ thể, mức thuế VAT áp dụng cho toàn bộ doanh thu từ hoạt động kinh doanh vận tải của các công ty này sẽ tăng từ 3% lên thành 10%, giống như taxi truyền thống.
Grab nói đang làm theo luật
Tờ Tuổi trẻ phản ánh vấn đề này dưới góc nhìn khách quan, đồng cảm với các lái xe nhưng cũng ghi nhận cả ý kiến của phía Grab.
Grab khẳng định rằng đang làm theo luật. Grab không thể nộp hết 10% thuế trên toàn bộ 100% doanh thu, bao gồm cả doanh thu của lái xe, vì khi đó thuế VAT mà Grab nộp không còn là 10%, mà là 50%.
Mức thuế VAT tăng thêm 7%, từ 3% lên 10% sẽ tăng thêm gánh nặng cho người tiêu dùng. (Ảnh: PLO)
Grab phải cân bằng cán cân lợi ích giữa các bên là lái xe - khách hàng - công ty. Thực tế, việc tăng thuế VAT sẽ tính vào khách hàng. Bởi đơn vị này đã tăng phí mỗi cuốc xe và cũng sẽ tăng khuyến mãi để tăng lượng khách hàng, bù đắp lại chi phí cho các lái xe.
Người tiêu dùng thiệt nhất
Tờ Thanh niên phân tích bản chất của thuế giá trị gia tăng dựa trên khoản giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ và phát sinh đến khâu cuối cùng là tiêu dùng. Vì vậy, người tiêu dùng sẽ là người chịu thuế. Tại nhiều nước, thuế VAT sẽ được giảm, giúp hàng hóa rẻ hơn, thúc đẩy sức mua trên thị trường. Trong khi đó, việc tăng thuế từ 3% lên 10% theo Nghị định 126 cũng phần nào khiến cho dịch vụ gọi xe công nghệ tăng giá.
Trên tờ Thời báo Tài Chính, Bộ Tài chính nêu rõ quan điểm: "Thuế suất 10% đã được quy định từ trước và áp dụng thống nhất đối với loại hình kinh doanh vận tải. Tuy nhiên do khi ấy chưa có quy định cụ thể về trường hợp như Grab nên đơn vị này chỉ đóng 3% VAT". Do đó, Nghị định 126 không làm tăng thuế VAT đối với cá nhân là các lái xe Grab hay người tiêu dùng, mà chỉ là giúp tính đúng tính đủ với các mô hình đặt xe công nghệ như Grab.
Bộ này đề nghị Grab phải có trách nhiệm điều chỉnh lại cơ cấu giá tính thuế để đảm bảo không ảnh hưởng đến người tiêu dùng, cũng như thu nhập của tài xế. Tổng cục Thuế đã có giấy mời đại diện Grab đến làm việc để làm rõ lý do tăng giá.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!