Hôm nay (8/12) là ngày thứ tư Grab tăng giá. Khách hàng bị ảnh hưởng khi giá tăng và bản thân các tài xế Grab cũng bị ảnh hưởng.
Cụ thể, với dịch vụ Grabbike, trước đây, các lái xe phải cắt lại cho Grab 20% doanh thu trên mỗi chuyến xe. Thế nhưng từ ngày 5/12, mức chiết khấu này đã tăng lên hơn 27% theo Nghị định 126 quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế có hiệu lực từ đầu tháng này. Theo đó, mức thuế giá trị gia tăng 10% đối với mọi cuốc xe công nghệ thay vì mức 3% như trước đây.
Grab, hãng xe công nghệ được cho là đang có thị phần lớn nhất hiện nay tại Việt Nam, đã có thông báo tăng từ 5 - 6% giá dịch vụ taxi và xe ôm công nghệ. Mức khấu trừ của tài xế cũng vì thế mà tăng theo.
Trước thực tế này, ngày 7/12, hàng ngàn tài xế xe công nghệ đồng loạt tắt ứng dụng, phản đối việc tăng mức khấu trừ này.
Tài xế Quách Văn Huân cho biết: "Doanh thu mỗi ngày của tài xế bây giờ chỉ dao động từ 300.000 đến 500.000 đồng/ngày. Với mức độ đóng thuế đến 30% một ngày như thế này thì quá cao, thu về chẳng được bao nhiêu nữa. Tôi mong muốn là được trở về mức thuế ban đầu chứ như thế này cao quá. Chúng tôi còn phải tự chi tiền xăng xe, tiền điện thoại và tiền ăn uống nữa".
Sau khi Nghị định 126 có hiệu lực, Grab đã tăng giá cước một số dịch vụ để bù thuế VAT. Các tài xế cho rằng, mức tăng giá cước chưa đủ bù cho khoản thu nhập thực của họ bị giảm khi Grab tăng mức khấu trừ từ 20% lên hơn 27%.
Ở thời điểm hiện tại, đây là cách tính của Grab trên mỗi chuyến xe: lấy ví dụ 1 chuyến xe có tổng giá là 110.000 đồng, thuế VAT 10% sẽ là 10.000 đồng, trong đó có 2.000 của Grab và 8.000 của tài xế. Thực chất, số tiền này sẽ đánh thẳng vào túi của người tiêu dùng, vì Grab sẽ cộng số tiền này vào giá dịch vụ và thu qua tài xế, tức Grab chỉ thu, nộp hộ.
Theo đại diện Tổng cục Thuế, cách tính như hiện nay của Grab chưa thực sự chuẩn xác, bởi hãng này sẽ không thể vừa tăng cước mỗi chuyến xe và tăng cả mức khấu trừ đối với các tài xế.
"Khi có tác động của Nghị định 126, Grab phải xây dựng lại cơ sở tính thuế để đảm bảo giá cước không tăng, cũng như lợi ích giữa Grab và các tài xế, chứ không thể nói rằng chính sách thuế của Nghị định 126 dẫn đến việc tăng giá hay tăng chiết khấu của lái xe", bà Tạ Thị Phương Loan, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ cá nhân, Tổng cục Thuế, nhận định.
Cung cấp dịch vụ công nghệ gọi xe và hoạt động của xe công nghệ với các hãng xe như Grab là lĩnh vực còn khá mới và lâu nay chưa có chính sách thuế rõ ràng đối với loại hình kinh doanh này.
Hiện taxi công nghệ đang được hưởng thuế VAT là 3%, taxi truyền thống là 10%, vì vậy Nghị định 126 có hiệu lực sẽ công bằng nghĩa vụ đóng thuế của cả 2 loại hình xe taxi này.
Thuế giá trị gia tăng (VAT) là loại thuế đánh trực tiếp vào túi người tiêu dùng và được áp dụng hầu hết ở tất cả các loại hàng hóa, dịch vụ. Tuy nhiên với cách tính thuế áp dụng theo Nghị định 126 như hiện nay của hãng xe công nghệ, Tổng cục Thuế cho rằng cần phải xem xét và tính toán kỹ lưỡng. Tổng cục Thuế cho biết sẽ có buổi làm việc với đại diện của hãng xe Grab vào chiều mai (9/12) để làm rõ các tính toán của hãng xe này.
Lái xe công nghệ yếu thế khi phát sinh tranh chấp
Thống kê cho thấy, khoảng 200.000 lái xe có thu nhập chính nhờ chạy xe công nghệ, tức cơm áo, gạo tiền của hàng trăm ngàn gia đình đều từ những cuốc xe mà họ đi trên đường. Tuy nhiên từ sự việc này, phía Grab cho rằng, họ chỉ là đơn vị trung gian nên việc các lái xe tụ tập lại không được gọi là bãi công, bởi Grab và các tài xế không có quan hệ lao động.
Phía Grab cho rằng họ chỉ là đơn vị ở giữa người đi xe và người chuyên chở nên việc các tài xế ngừng hoạt động không phải là bãi công, nhưng ở góc độ của công đoàn, việc tranh chấp khấu trừ từ 20% lên 27,2% thực chất là tranh chấp quyền lợi giữa người lao động và nhà quản lý.
Mức thuế VAT tăng thêm 7%, từ 3% lên 10% sẽ tăng thêm gánh nặng cho người tiêu dùng. (Ảnh: PLO)
Các đơn vị cung cấp dịch vụ xe công nghệ vẫn khẳng định đây là mô hình kinh tế chia sẻ chứ không phải hãng xe, nên giữa họ và các lái xe không phát sinh quan hệ lao động và không có hợp đồng lao động. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc có hoạt động chuyên chở và quản lý lái xe là có quan hệ lao động.
"Thực chất là các bên đã tham gia vào quá trình tổ chức lao động và cung cấp dịch vụ dựa trên điều kiện, dịch vụ được xác định. Thứ hai là đóng góp của các bên, ví dụ như người lái xe họ đã đóng góp bằng sức lao động của mình, bằng các phương tiện mà họ tham gia vào", PGS.TS. Nguyễn Thị Lan Hương cho hay.
Điều 13 của Bộ Luật lao động sửa đổi quy định trường hợp hai bên thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên thì được coi là hợp đồng lao động.
Nếu xét về vận chuyển có thu phí, thì các công ty cung cấp ứng dụng gọi xe cũng không khác nhiều so với taxi truyền thống. Vụ này này cho thấy quan hệ lao động đã biến đổi các cơ quan cần thống nhất quản lý, luật hóa để đảm bảo quyền lợi cho các bên và cho người lao động.
Nếu coi Grab là một ứng dụng công nghệ, cũng như một cái chợ, ai có nhu cầu thì có thể ra vào, miễn là nộp phí sử dụng. Vì vậy, các tài xế Grab nếu không hài lòng thì hoàn toàn có thể ngừng sử dụng ứng dụng này. Còn về phía cơ quan thuế, nhiệm vụ là phải thu đúng, thu đủ theo quy định. Những vấn đề này sẽ được làm rõ hơn trong cuộc họp ngày mai giữa Tổng cục Thuế và đại diện hãng xe Grab.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!