Theo đó bắt đầu từ ngày hôm nay, hãng gọi xe công nghệ này sẽ tăng giá 2 km đầu tiên của dịch vụ GrabCar 4 chỗ tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh lên 29.000 đồng, 7 chỗ lên 34.000 đồng. Cả hai mức này tăng 2.000 đồng so với hiện tại. Grab cũng tăng giá mỗi km tiếp theo của 2 dịch vụ này lên 10.000 đồng, tăng 500 đồng. Tại các tỉnh, thành phố khác, giá dịch vụ GrabCar cũng tăng 2.000-2.500 đồng cho 2 km đầu tiên, khoảng 600 đồng cho mỗi km sau đó.
Giá cước dịch vụ GrabCar từ ngày 10/3
Với dịch vụ GrabBike, tại Hà Nội, giá 2 km đầu tiên tăng 1.500 đồng, lên 13.500 đồng, mỗi km sau đó 4.300 (tăng 300 đồng). Mức cước dịch vụ này tại TP Hồ Chí Minh cũng tăng nhẹ lên 12.500 cho 2km đầu tiên và 4.300 đồng cho mỗi km tiếp theo. Grab cũng đồng loạt áp dụng giá mới cho các dịch vụ khác như GrabExpress, GrabMart và GrabFood.
Giá cước dịch vụ GrabBike
“Trong bối cảnh giá xăng đã nhiều lần được điều chỉnh tăng và giá tiêu dùng có nhiều biến động, chúng tôi hy vọng việc điều chỉnh giá cước sẽ bù đắp một phần chi phí vận hành của đối tác tài xế để giúp họ trang trải cuộc sống, đồng thời khuyến khích đối tác hoạt động tích cực và phục vụ người dùng tốt hơn. Song song đó, Grab cũng đang triển khai một số chương trình thưởng để hỗ trợ đối tác có thêm cơ hội thu nhập”, đại diện Grab cho biết.
Theo anh Vũ Trọng Hiển (chạy Grab tại TP Hồ Chí Minh), công thức tính doanh thu của tài xế với Grab khi giá cước tăng vẫn như cũ, nên việc tăng giá cước sẽ phần nào bù đắp những chi phí mà tài xế phải chịu khi giá xăng tăng.
Anh Hiển cho biết mức giá cũ đã duy trì trong nhiều năm, nên khi giá xăng tăng cao, mức giá đó không còn phù hợp nữa. Những người có xe hơi đi lại hàng ngày đều biết giá xăng tăng cao, chi phí sẽ tốn kém như thế nào. Tính cụ thể, nếu so giá xăng hiện nay với khi giá xăng ở mức 24.000 đồng, một ngày chi phí chênh lệch tiền xăng của mình là vào khoảng 150.000 đồng. Với một số anh em khác, con số này có thể là 200.000 -300.000 đồng.
“Nói cách khác, với một khoản thu nhập A, trước đây chi phí mình bỏ ra chỉ là 500.000 đồng, nhưng giờ giá tăng thì phải lên tới 650.000 - 700.000 đồng. Vì thế việc hãng xe công nghệ tăng giá cước thì cũng phần nào bù đắp những chi phí mà anh em tài xế phải ráng gồng gánh lâu nay”, anh Hiển cho hay.
Còn theo tài xế xe 2 bánh Nguyễn Tường Vy (TP Hồ Chí Minh), khi giá xăng tăng cao, tài xế chạy xe công nghệ "cực" hơn. Trước đây, thường chạy tới 5, 6 là nghỉ, giờ ráng chạy tới 8, 9 tối mới nghỉ.
"Việc tăng giá cước, có thể giúp thu nhập tài xế ổn định hơn. Nhưng cũng phải từ hôm nay mới biết thực tế sẽ như thế nào", tài xế này nói.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!