Việc khách hàng khó tìm được tài xế và giá cước cao là do số lượng tài xế hoạt động không nhiều so với mọi năm. (Ảnh minh họa - Ảnh: PLO)
Bên cạnh đó, việc đặt xe cũng khó khăn hơn trước. Trước thông tin này, một số hãng xe công nghệ đều khẳng định, đến thời điểm hôm nay (27/1), tức 25 tháng Chạp Âm lịch, giá cước trên mỗi km không có thay đổi và chưa tính thêm phụ phí vào dịp cao điểm. Việc khách hàng khó tìm được tài xế và giá cước cao là do số lượng tài xế hoạt động không nhiều so với mọi năm.
Theo chia sẻ của nhiều tài xế xe ôm công nghệ trên các hội nhóm mạng xã hội, trong giai đoạn cận Tết, lượng đơn giao hàng đang tăng đột biến, trong khi lượng tài xế không tăng thêm khiến ngày làm việc của các tài xế hoạt động tại khu vực TP Hồ Chí Minh thêm bận rộn, cùng với đó thu nhập tăng thêm.
Hiện nay, dù không giới hạn số lượng tài xế hoạt động xe công nghệ 2 bánh như thời điểm còn ảnh hưởng dịch, nhưng nhiều ứng dụng vẫn gặp khó trong việc khôi phục lực lượng tài xế về mức 100% như trước đây.
Một ứng dụng gọi xe cho biết, do ảnh hưởng dịch nên nhiều người đã "bỏ nghề" chạy xe công nghệ để chuyển sang tìm công việc khác hoặc về quê để giảm bớt gánh nặng chi phí sinh hoạt tại thành phố.
Theo đơn vị này, nhu cầu khách hàng giao hàng, chở khách đi lại những ngày cận Tết tăng đột biến. Trong khi số lượng tài xế hoạt động thường xuyên trong ngày có phần chưa tương ứng với nhu cầu của khách. Do đó tình trạng khách khó gọi xe trong vài ngày qua đã xảy ra.
Hãng xe công nghệ Be cho biết, hiện đơn vị này chưa có thông tin về việc thu thêm phụ phí vào những ngày cao điểm trước và trong Tết hay không.
Năm 2021, Grab và GoJek cũng áp dụng chính sách thu phụ phí dịp Tết từ 5.000 - 15.000 đồng/chuyến. Nguyên nhân được đưa ra là nhằm khuyến khích các tài xế hoạt động, đáp ứng nhu cầu vào thời gian cao điểm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!