Tăng lãi suất huy động giúp ổn định tỷ giá

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 15/06/2024 08:31 GMT+7

VTV.vn - Trong vòng nửa tháng qua, 15 ngân hàng thương mại đã tăng lãi suất huy động. Có ngân hàng lãi suất tiết kiệm kỳ hạn trên 12 tháng lên đến 9,5%/năm.

Trong vòng nửa tháng qua, 15 ngân hàng thương mại đã tăng lãi suất huy động. Có ngân hàng lãi suất tiết kiệm kỳ hạn trên 12 tháng lên đến 9,5%/năm, cao hơn rất nhiều so với mức trung bình 5,5%/năm của toàn hệ thống. Việc này giúp tăng thu hút dòng tiền từ dân cư và ổn định tỉ giá.

Ngân hàng vừa tăng lãi suất huy động thêm từ 0,2-0,3%/năm tùy kỳ hạn. Và đáng nói, nếu gửi tiền tiết kiệm qua kênh trực tuyến thì còn được cộng thêm 0,1%/năm.

Tăng lãi suất sẽ giúp gửi tiết kiệm đảm bảo sự hấp dẫn so với với các kênh đầu tư có nhiều rủi ro khác như chứng khoán, vàng hay bất động sản. Ngoài ra, điều này cũng giúp cho các ngân hàng đảm bảo nguồn vốn cho những tháng cuối năm.

Ông Nguyễn Thế Dân - Giám đốc Chi nhánh Hà Nội, Ngân hàng Bản Việt cho biết: "Nhu cầu về tín dụng cũng đang có dấu hiệu phục hồi, do vậy các ngân hàng sẽ dự trữ các nguồn vốn để đáp ứng nhu cầu tín dụng tăng cao vào 6 tháng cuối năm, đặc biệt khi Ngân hàng Nhà nước đã giao room tín dụng tăng trưởng 15% cho tất cả các ngân hàng ngay từ đầu năm".

Tăng lãi suất huy động giúp ổn định tỷ giá - Ảnh 1.

Lãi suất huy động tăng có thể khiến lãi suất cho vay tăng nhưng cần độ trễ

5 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng mới đạt 2,41%. Để tiếp tục đẩy vốn ra nền kinh tế, các ngân hàng tuy tăng lãi suất huy động, nhưng vẫn giữ lãi suất cho vay ở mức thấp.

Ông Nguyễn Hưng - Tổng Giám đốc Ngân hàng Tiên Phong (TPBank) chia sẻ: "Mặt bằng bây giờ khá thấp, không tính lãi suất trong những kỳ đầu. Có những mức khoảng 5-6%, hoặc lãi suất phổ biến là dưới 8%. Khách hàng có thể dễ tiếp cận với các khoản tín dụng của ngân hàng hiện giờ".

Hiện mức lãi suất cho vay được coi là thấp kỷ lục, nên nhiều tổ chức, cá nhân đã quyết định vay với thời gian dài hơn, nhất là ở các nhóm tiêu dùng, nhập khẩu nguyên vật liệu, các lĩnh vực ưu tiên, hay những nhóm hưởng lợi từ giải ngân đầu tư công.

Ông Nguyễn Bá Huy - Giám đốc Đầu tư, Công ty Quản lý quỹ SSI nhận định: "Các doanh nghiệp cũng muốn cố định được lãi suất thấp này trong thời gian dài hơn để chủ động hơn về mặt kinh doanh cũng như tiết kiệm chi phí lãi vay".

Tính từ đầu năm đến nay, lãi suất huy động toàn ngành đã tăng khoảng 0,5%/năm. Tức là nắm giữ đồng tiền Việt Nam có giá trị hơn, nhất là khi VNĐ đã mạnh hơn các đồng tiền khác khi so sánh với USD.

Ông Nguyễn Đức Hùng Linh - Sáng lập Think Future Consultancy đưa ra ý kiến: "Từ giữa tháng 5 đến nay, tỷ giá USD/VND đã rất ổn định, đi ngang, thậm chí VND lên giá chút ít, khoảng 0,3% so với USD. Tỷ giá ổn định các doanh nghiệp sẽ tự tin hơn trong việc lên kế hoạch kinh doanh, nhập khẩu nhiều hơn và giảm bớt chi phí sản xuất đối với họ".

Lãi suất huy động tăng có thể khiến lãi suất cho vay tăng nhưng cần độ trễ. Ngoài ra, việc các ngân hàng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong huy động và cho vay, tiết giảm chi phí hoạt động cũng sẽ góp phần giảm áp lực phải tăng lãi suất cho vay trong khi vẫn tăng được lãi suất huy động.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước