Đề xuất tăng 6% lương tối thiểu vùng từ 1/7/2024
Hội đồng Tiền lương Quốc gia vừa thống nhất đề xuất trình Chính phủ tăng lương tối thiểu vùng từ 1/7 năm sau, ở mức 6%.
Đây cũng là thời điểm tăng lương cho công chức, viên chức và thực hiện tổng thể cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27 của Trung ương năm 2018.
Mới đây, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã họp phiên thứ 2 và thống nhất đề xuất trình Chính phủ, từ 1/7 năm sau, lương tối thiểu vùng sẽ tăng 6%, tương đương tăng 200.000 - 280.000 đồng/tháng, tùy từng vùng. Thời điểm tăng vào đầu tháng 7 năm sau, nhằm đảm bảo đồng bộ với thời điểm triển khai thực hiện cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức.
Như vậy, sau 2 năm không được điều chỉnh, việc tăng lương tối thiểu cho người lao động vào năm tới là việc cần thiết. Trong bối cảnh cả doanh nghiệp và người lao động đều khó khăn, việc tăng lương tối thiểu vùng thể hiện sự chia sẻ nỗ lực của các bên, nhằm đảm bảo đồng bộ với thời điểm triển khai thực hiện cải cách tiền lương đối với khu vực cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang.
Sau 2 năm không được điều chỉnh, việc tăng lương tối thiểu cho người lao động vào năm tới là việc cần thiết. (Ảnh minh họa - Ảnh: Dân trí)
Theo đại diện Hội đồng Tiền lương Quốc gia, trong bối cảnh khó khăn kinh tế, tình hình thế giới biến động, thời gian qua đời sống người lao động còn khó khăn do thiếu đơn hàng, biến động giá cả. Với tinh thần chia sẻ, đồng thuận giữa các bên, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã bỏ phiếu đồng tình đề xuất phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2024 lên 6%, với tỷ lệ đồng thuận 16/16 phiếu, đạt 100%.
Mức tăng lương tối thiểu cho cả 4 vùng sẽ được áp dụng từ ngày 1/7/2024. Hiệp hội da giày và túi xách cho rằng, 7 tháng chuẩn bị là quá gấp và dự báo sang năm doanh nghiệp còn rất nhiều khó khăn.
"6% là mức phù hợp với tình hình chung của cộng đồng doanh nghiệp cũng như toàn ngành kinh tế", ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Hiệp hội Da, giày và túi xách Việt Nam, đánh giá.
"Khó khăn cần khắc phục. Doanh nghiệp khắc phục và người lao động chia sẻ. Chúng ta hy vọng rằng tình hình sẽ sáng sủa hơn trong thời gian tới bằng các gói chính sách hỗ trợ từ phía Chính phủ", ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cho hay.
Phía đại diện người lao động nhấn mạnh, lần gần nhất lương tối thiểu vùng được điều chỉnh tăng là từ ngày 1/7/2022, với mức tăng bình quân cũng là 6%. Bởi vậy đề xuất tăng lần này là hợp lý để hỗ trợ người lao động sau 2 năm lương tối thiểu vùng không điều chỉnh.
"Mức điều chỉnh này cũng là mức chia sẻ với người lao động và người sử dụng lao động để chúng ta cùng nỗ lực, để những năm tiếp theo chúng ta tiếp tục phát triển, từ đó người lao động có lương cao hơn", ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, nhận định.
17 triệu lao động trong khu vực doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi nếu đề xuất điều chỉnh này được thông qua.
Trong bối cảnh khó khăn, việc tăng lương tối thiểu vùng thể hiện nỗ lực của các bên nhằm đảm bảo đồng bộ với thời điểm triển khai thực hiện cải cách tiền lương đối với khu vực cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang.
Mức lương tối thiểu là mức lương thấp nhất được trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất, trong điều kiện lao động bình thường, nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.
Nếu đề xuất tăng lương tối thiểu vùng được Chính phủ thông qua, theo bà Phạm Thu Lan, Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, mức tăng 6% có thể là tạm hài lòng, còn để đáp ứng mức sống tối thiểu để cuộc sống có ý nghĩa 8 giờ làm việc, 8 giờ nghỉ ngơi, 8 giờ vui chơi thì thực sự chưa đáp ứng được. Vì nhiều người lao động hiện nay phải làm việc 10, 12, 14 tiếng một ngày. Như vậy, họ hy sinh giờ vui chơi để làm việc, có thêm thu nhập.
"Mức tăng từ trước đến nay hầu hết chỉ để bù lạm phát, chưa có sự cải thiện, chưa nói mức lạm phát của năm tới. Mức tăng này chưa có sự chia sẻ từ tăng trưởng GDP, chưa tính tới phần đóng góp từ lương, vi dụ như trích đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, hay đoàn phí công đoàn. Tuy nhiên mức tăng lương này có ý nghĩa với người lao động, giúp cải thiện sàn an sinh xã hội, đóng góp xóa đói giảm nghèo, giảm bất bình đẳng.
Đồng thời, hiện nay đa số các doanh nghiệp thâm dụng lao động đều dựa vào mức lương tối thiểu để đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Như vậy chế độ của người lao động như thai sản, thất nghiệp, hưu trí sau này mức đóng tăng thì mức hưởng cũng tăng. Vì vậy mức tăng lương tối thiểu luôn luôn có ý nghĩa", bà Lan đánh giá.
Tăng lương để bảo đảm mức sống
Ai đi làm thì cũng đều mong muốn có thể sống được bằng lương. Tuy nhiên, trong nhiều năm vừa qua, tiền lương còn nhiều bất cập. Việc lương cơ sở của công chức, viên chức và lực lượng vũ trang tăng lên mức 20,8% vào đầu tháng 7 vừa qua là niềm khích lệ lớn cho công chức, viên chức. Tuy nhiên, chính sách tiền lương mới cần tiếp tục có những đổi mới mạnh mẽ hơn nữa để đó thực sự là thước đo giá trị, công sức và cống hiến của người lao động.
Hơn chục năm công tác, lương của chị Hòa (Trường Mầm non Tây Mỗ B, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), chỉ hơn 6 triệu đồng/tháng. Lần tăng lương này được chị mong chờ đã lâu và sẽ tiếp thêm động lực để những giáo viên như chị có thể bám trụ được với nghề.
Hiện nay, thu nhập theo thang bảng lương của công chức, viên chức, người lao động ở mức khởi điểm còn khá thấp, chỉ xấp xỉ 3,5 triệu đồng/tháng. Nhiều người phải chật vật với mức tiền lương khi sống ở đô thị.
"Mức lương của cán bộ công chức, viên chức so với mặt bằng chung theo đánh giá của tôi ở mức thấp", anh Lê Thanh Tuấn, Công chức phòng Tư pháp, UBND quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, cho biết.
"Mức lương của cán bộ công chức hiện nay quá thấp so với mức độ trượt giá của lạm phát, cũng như mức độ sống, đặc biệt là mức sống ở các đô thị lớn, khó giữ chân cán bộ mới vào cơ quan nhà nước", ông Trịnh Tất Thắng, Trưởng bộ phận một cửa, UBND quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, nhận định.
Đây là lần đầu tiên mức lương cơ sở được tăng cao nhất sau 12 lần điều chỉnh, tức tăng khoảng 20,8% so với mức lương cơ sở hiện hành.
"Đời sống của cán bộ viên chức nghỉ việc rất nhiều, nhất là lĩnh vực y tế, giáo dục. Để đảm bảo nguồn lương nâng cao đời sống của của cán bộ công chức, viên chức là chính sách đúng đắn, kịp thời của Đảng và Nhà nước", đại biểu Trần Thị Thu Hằng, đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông, nói.
Theo thống kê của Bộ Nội vụ từ năm 2020 đến năm 2022, gần 40.000 công chức, viên chức thôi việc hoặc chuyển sang khu vực tư. Tỷ lệ nghỉ việc ở Trung ương là 18% và địa phương là 82%, tập trung nhiều nhất ở ngành giáo dục, y tế. Do đó, việc tăng lương cơ sở lần này được kỳ vọng sẽ tạo động lực giúp người lao động trong khu vực công nâng cao tinh thần làm việc và cống hiến.
Thực hiện các giải pháp tăng lương, tiến đến cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo tinh thần Nghị quyết 27 của Trung ương khóa XII được kỳ vọng là một trong những giải pháp cốt yếu để công chức, viên chức, người lao động có thể nâng cao chất lượng cuộc sống, đồng thời giúp người lao động gắn bó và cống hiến nhiều hơn nữa cho sự phát triển của cơ quan, đơn vị.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!