Các doanh nghiệp đầu tư Nhật Bản đang đối mặt với tình trạng mức lương tối thiểu ở các nước châu Á tăng nhanh chóng, nhất là ở khu vực Đông Nam Á. Thời báo kinh tế lớn nhất Nhật Bản Nikkei đã có hàng loạt bài viết phân tích về vấn đề này.
"Myanmar điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu lên 33% và những ảnh hưởng đến ngành may mặc" là tiêu đề bài một viết phân tích trên báo Nikkei. Không chỉ riêng Myanmar, các nước khác trong khu vực ASEAN cũng tăng lương tối thiểu nhanh chóng. Tại thời điểm năm 2018, Campuchia đã tăng lương tối thiểu gấp 3, Lào gấp 2 lần mức lương tối thiểu so với thời điểm năm 2012. Ngoài ra, các nước khác có mức tăng cao gồm: Thái Lan, Indonesia, Malaysia.
Theo điều tra của Cơ quan Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (Jetro), 40% doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư tại châu Á và châu Đại Dương đã trả lời lo ngại kết quả kinh doanh năm 2018 kém là do chi phí nhân lực tăng cao. Theo đó, việc tăng lương tối thiểu nên phù hợp với tăng trưởng sản xuất.
Báo Nikkei phân tích, nếu Chính phủ tại các nước nói trên vẫn giữa mức lương tối thiểu thấp đáng kể so với các nước trong khu vực, các quốc gia này một mặt sẽ phải chịu áp lực lớn từ dư luận, nhất là từ tầng lớp lao động, mặt khác có thể dẫn đến một tình trạng tồi tệ hơn, đó là người lao động di chuyển sang nước ngoài. Theo phân tích của báo Nikkei dẫn nguồn từ Viện Nghiên cứu Nomura, những chính sách tập trung vào ưu đãi đối với người dân bằng cách tăng lương tối thiểu, coi nhẹ việc nâng cao hiệu quả sản xuất là "bức tường" cản trở đối với hoạt động đầu tư tại châu Á.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!