Tặng ô tô, iPhone… để giữ chân nhân viên

Kim Huệ-Thứ năm, ngày 02/03/2023 06:29 GMT+7

VTV.vn - Trái ngược với giới công nghệ sa thải hàng loạt, nhiều hãng hàng không Mỹ đã phải tung ra hàng loạt chương trình ưu đãi hấp dẫn để giữ chân nhân viên.

Kể từ khi du lịch hồi sinh sau khi các biện pháp giãn cách phòng tránh COVID-19 được gỡ bỏ, ngành công nghiệp hàng không tại Mỹ đang đối mặt với tình trạng khan hiếm lao động.

Vấn đề này càng trầm trọng do đại dịch và tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất lịch sử trong vòng hơn 53 năm qua.

Trái ngược với giới công nghệ sa thải hàng loạt, nhiều hãng hàng không Mỹ đã phải tung ra hàng loạt chương trình ưu đãi hấp dẫn, như tặng ô tô, iPhone… để giữ chân nhân viên, thu hút nhân tài.

Tiền thưởng, iPhone, hay thậm chí xe ô tô, đây không phải là phần quà trong chương trình bốc thăm trúng thưởng, mà đây là những ưu đãi người lao động trong lĩnh vực hàng không có thể nhận được. Delta Airlines sẽ thưởng 5.000 USD cho các nhân viên bốc xếp hành lý ký hợp đồng.

Tặng ô tô, iPhone… để giữ chân nhân viên - Ảnh 1.

Ngành công nghiệp hàng không tại Mỹ đang đối mặt với tình trạng khan hiếm lao động. (Ảnh minh họa - Ảnh: Dân trí)

Unifi, công ty chuyên cung cấp nhân sự và thiết bị cho các hãng hàng không cho biết, chi phí để tuyển dụng lao động mới trong thị trường lao động khan hiếm tăng tới 60% so với mức trước đại dịch.

Năm 2022, công ty đã cấp ô tô mới cho 3 nhân viên, thậm chí tặng điện thoại thông minh cho hơn 3.000 người đạt được mục tiêu hiệu suất.

Không dừng lại ở đó, nhiều chương trình chăm sóc trẻ đang được áp dụng ngày càng nhiều ở các sân bay tại Mỹ.

"Nếu muốn nhân viên làm việc những ca trực có giờ giấc "không dễ chịu chút nào", như vào lúc nửa đêm, hay giữa trưa, bạn cần phải quan tâm đến gia đình của họ", ông Thomas Romig, Phó Giám đốc Hội đồng Sân bay Quốc tế, cho biết.

Bộ phận hàng không của công ty điều hành Sân bay Quốc tế Phoenix Sky Harbor đã khởi động chương trình chăm sóc con cho các nhân viên sân bay từ năm 2020. Công ty quyết định tiếp tục mở rộng chương trình này với kế hoạch xây dựng cơ sở trông trẻ trong khuôn viên sân bay.

"Chúng tôi đã tận dụng cơ sở vật chất sẵn có ở sân bay để chuyển đổi địa điểm đó thành nơi chăm sóc trẻ nhỏ cho các nhân viên", ông Matthew Heil, đại diện sân bay quốc tế Phoenix Sky Harbor, thông tin.

Trong đợt cao điểm bay hè năm 2022, tình trạng thiếu nhân lực làm các công việc như vận chuyển hành lý hay dịch vụ chăm sóc khách hàng đã gây ra tình trạng xếp hàng dài và khiến nhiều chuyến bay bị chậm trễ.

Xu hướng người dân tích cực đi du lịch dự báo sẽ tiếp tục trong năm nay. Do vậy, những nỗ lực của các doanh nghiệp trong lĩnh vực hàng không kỳ vọng sẽ giúp thu hút được thêm nhiều người lao động, giúp thúc đẩy sự phục hồi của cả ngành hàng không sau dịch.

Theo hãng tư vấn tuyển dụng ZipRecruiter, một phần vấn đề khó tuyển dụng của ngành hàng không là lương thấp và công việc vất vả. Nếu các hãng thương mại điện tử, như Amazon trả lương gần 33 USD/giờ, thì mức lương trung bình của các nhân viên sân bay Mỹ hiện chỉ bằng nửa, dưới 18 USD/giờ.

Nhiều hãng hàng không có lãi trở lại Nhiều hãng hàng không có lãi trở lại

VTV.vn - Sự hồi phục của nhu cầu đi lại đã giúp hoạt động vận tải hàng không khởi sắc hơn và ngày càng nhiều hãng bay bắt đầu thông báo có lãi.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước