Các ngân hàng thương mại đang thừa vốn, với số tiền lên đến cả triệu tỷ đồng. Trong khi nhiều doanh nghiệp, nhất là trong lĩnh vực nông sản lại đang thiếu vốn để mở rộng sản xuất, kinh doanh. Đây là nghịch lý đang diễn ra tại nhiều địa phương và cần những giải pháp tháo gỡ.
Mỗi ngày, Nhà máy Chế biến lương thực Angimex Định Thành, An Giang thu mua và chế biến khoảng 400 tấn gạo. Doanh nghiệp rất phấn khởi vì hoạt động kinh doanh hiệu quả, tài chính minh bạch và vừa được ngân hàng cho vay 50 tỷ đồng để thúc đẩy sản xuất.
Tăng cường thu mua - đẩy mạnh chế biến xuất khẩu đó là bước chuyển động tại các nhà máy gạo ở ĐBSCL khi tiếp cận được nguồn vốn kịp thời. Điều này cho thấy hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành của Chính phủ đối với các tổ chức tín dụng trong việc bơm mạnh nguồn vốn thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.
Đến đầu tháng 9, tổng dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp đạt gần 535.000 tỷ đồng. Ảnh minh họa.
Theo Ngân hàng Nhà Nước, đến đầu tháng 9, tổng dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp đạt gần 535.000 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng năm ngoái. Ngoài 4 ngân hàng thương mại nhà nước, các tổ chức tín dụng khác cũng đặc biệt quan tâm, đầu tư mạnh vào lĩnh vực này.
Nhiều ý kiến cho rằng, ngoài tăng hạn mức tín dụng, giảm lãi suất cho vay... các bộ, ngành cần chung tay tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người sản xuất trong việc tìm kiếm thị trường, tiêu thụ hàng hóa...
Bên cạnh đó cần đầu tư tín dụng theo chuỗi giá trị, nhằm hạn chế rủi ro, phát huy hiệu quả, thúc đẩy phát triển ngành nông nghiệp - trụ đỡ của nền kinh tế.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!